Doanh nghiệp này có tiêu xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại xã Bảo Hưng và xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Báo cáo thẩm định số 2794/BC - BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Trấn Yên (giai đoạn 1), tỉnh Yên Bái.
Trên cơ sở các nội dung thẩm định, hồ sơ dự án, ý kiến thẩm định của 8 bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Yên Bái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, làm rõ việc xử lý phần diện tích đất và tài sản trên đất đã cho Công ty cổ phần Edge Glass thuê; quyết định việc xử lý công trình thuỷ lợi, công trình giao thông thuộc phạm vi của dự án.
Bên cạnh đó, trường hợp Thủ tướng chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án theo kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hồ sơ dự án đủ điều kiện trình Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Cụ thể, dự án do Tổng công ty Viglacera - CTCP (VGC) là nhà đầu tư, có mục tiêu xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại xã Bảo Hưng và xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Tại địa điểm thực hiện dự án, diện tích rừng trồng được chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác để thực hiện mục đích khác là 63,4ha. Quy mô sử dụng đất của dự án được xác định cụ thể sau khi nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng được UBND tỉnh Yên Bái làm rõ.
Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án là 2.184 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 327,65 tỷ đồng, vốn huy động là 1.856 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Tổng công ty Viglacera phải đảm bảo sử dụng vốn góp chủ sở hữu theo đúng cam kết và chỉ được thực hiện dự án sau khi việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sản xuất và chuyển mục đích sử dụng rừng trong khu vực thực hiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nhà đầu tư có trách nhiêm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định; có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.
Bình Dương đón loạt dự án 'khủng', quy mô gần 1,5 tỷ USD 
Long An hé lộ 2 'điều kiện' cho nhà đầu tư muốn làm khu đô thị gần 9.300 tỷ đồng