Nguyên nhân chính của sự hồi sinh ngoạn mục này bắt nguồn chính từ niềm hy vọng của các nhà đầu tư.
Cuối năm 2022, 1.500 tỷ USD bị thổi bay. Nỗi thất vọng bao trùm thị trường tiền số. Nhưng sang năm 2023, Bitcoin đã trở lại với mức tăng 160% , vốn hóa thị trường tăng thêm khoảng 530 tỷ USD.
Nguyên nhân chính của đợt tăng giá này là tâm lý lạc quan, cho rằng các cơ quan quản lý Mỹ sẽ sớm chấp thuận cho một quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đầu tư trực tiếp vào Bitcoin. Đến ngày 10/1, các nhà đầu tư sẽ biết rằng những người đặt cược vào giá tiền số tăng có thành công hay không.
Đợt tăng giá Bitcoin trong năm 2023 đã vượt qua chứng khoán và vàng. Những người ủng hộ tiền số cho biết một sự kiện 4 năm diễn ra một lần gọi là halving Bitcoin sẽ diễn ra vào năm 2024. Đây là sự kiện tạo ra sự khan hiếm lượng Bitcoin bằng cách giảm một nửa số Bitcoin mới cho mỗi người khai thác. Điều này đã tạo chỗ dựa cho tiền số bên cạnh kỳ vọng vào ETF. Hiện Bitcoin vẫn đang giao dịch thấp hơn mức kỷ lục gần 69.000 USD đạt được vào tháng 11/2021.
Theo CCData, các công cụ phái sinh Bitcoin đã bùng nổ hoạt động trong năm 2023. Lãi suất mở hợp đồng quyền chọn Bitcoin trên Deribit (sàn giao dịch quyền chọn tiền số lớn nhất) lần đầu tiên vượt 16 tỷ USD vào tháng 12. Lãi suất mở hợp đồng tương lai Bitcoin cũng đạt mức ấn tượng.
Dữ liệu từ DefiLlama cho thấy lĩnh vực tài chính phi tập trung vẫn chưa phục hồi sau sự sụp đổ hơn 40 tỷ USD của dự án stablecoin TerraUSD vào năm 2022. Trong khi đó, theo dữ liệu từ Nansen, khối lượng giao dịch hàng tuần đối với các token không thể thay thế (NFT – đồ sưu tầm kỹ thuật số) đã tăng từ dưới 50 triệu USD trong tháng 10 lên đến 180 triệu USD trong tháng 12. Nhưng đây chỉ là số lẻ so với kỷ lục 1,8 tỷ USD vào năm 2022. Điều này cho thấy tiền số vẫn còn phải cố gắng để khơi dậy mức độ quan tâm từ nhà đầu tư như giai đoạn đại dịch.
Biểu đồ cho thấy tình hình hoạt động của tiền số trong năm 2023 lần lượt so với cổ phiếu, vàng, trái phiếu và hàng hóa. |
Trong khi giá Bitcoin tăng vọt, thị trường tiền số vẫn còn những vết sẹo từ sự sụp đổ nền tảng FTX của Bankman-Fried và nhà giao dịch Alameda Research vào tháng 11/2022. Vụ việc đã một phần làm giảm tính thanh khoản, khiến token trở nên khó giao dịch hơn.
>> 'Cơn sốt' tiền ảo có trở lại Việt Nam?