Ít ai biết rằng, quốc gia này từng có GDP bình quân đầu người cao thứ 2 thế giới và là một trong những nước đang phát triển có mức sống tốt nhất toàn cầu.
Nauru là một quốc đảo nhỏ bé nằm ở Đông Bắc Papua New Guinea. Đất nước này được biết đến với diện tích nhỏ thứ ba thế giới sau Tòa thánh Vatican và Công quốc Monaco. Đây cũng là nước nhỏ nhất Nam Thái Bình Dương, quốc gia nhỏ nhất  ngoài lãnh thổ Châu Âu, quốc đảo nhỏ nhất thế giới với diện tích chỉ 21km2.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng Nauru từng là quốc gia cực kỳ giàu có với GDP bình quân đầu người đứng thứ 2 thế giới. Chỉ sau hơn 40 năm, Nauru rơi xuống thành quốc đảo nghèo khổ với khoảng 90% người dân thất nghiệp, tệ nạn tham nhũng, rửa tiền tràn lan.
Đảo quốc Nauru nhìn từ trên cao |
Từng được coi là một trong những nước giàu nhất thế giới vào năm 1980
Trước khi giành độc lập vào năm 1968, quốc đảo này chủ yếu sống bằng nghề cá và trồng trọt.
Sau khi giành độc lập, Nauru nhanh chóng thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài nhờ những mỏ Phosphate với trữ lượng lớn, dễ khai thác. Chính nhờ mảng khai khoáng mà nền kinh tế quốc gia này bùng nổ chưa từng có.
Năm 1975, Nauru kiếm được 2,5 tỷ USD, trở thành quốc gia có GDP bình quân đầu người  cao thứ 2 thế giới và là một trong những nước đang phát triển có mức sống tốt nhất toàn cầu.
Hình minh họa |
Với lượng tiền khổng lồ từ khai khoáng, Nauru cho xây sân bay, thậm chí còn mua 7 chiếc máy bay để phục vụ giao thông, du lịch. Bên cạnh đó, thu nhập lớn của Chính phủ cho phép họ không thu thuế và cung cấp các dịch vụ thiết yếu miễn phí bao gồm chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc nha khoa, hệ thống xe buýt và giáo dục.
Được biết, với dân số của Nauru chỉ vào khoảng hơn 10.000 người, tất cả những khoản đầu tư của Nauru từ máy bay cho đến mua xe hơi hay các dự án xa xỉ khác đều thua lỗ. Nhưng dường như chẳng ai quan tâm đến việc dự án đầu tư có sinh lời hay không, bởi họ có quá nhiều tiền.
Tuy nhiên, buổi tiệc nào cũng sẽ đến lúc tàn, nguồn tài nguyên cạn kiệt và nhà đầu tư rút vốn, quốc gia này bị bỏ lại với ô nhiễm môi trường nặng nề và không còn bất cứ nguồn thu nhập nào khác.
Đồng thời, việc khai thác phosphate rộng rãi trong thời gian dài đã dẫn đến hệ quả là gần 80% diện tích của hòn đảo trở nên không thể ở được vì nó được bao phủ bởi các mỏ lộ thiên. Nhiều người mô tả, Nauru có thời điểm nhìn như bề mặt của mặt trăng với mặt đất cằn cỗi, nhiều núi đá khổng lồ và luồng không khí nóng rực chết chóc. Toàn bộ dân cư của hòn đảo này giờ đây chỉ còn sống ở rìa ngoài Nauru.
Quá tức giận, Nauru đã kiện lên tòa án quốc tế yêu cầu các công ty nước ngoài bồi thường vì đã làm ô nhiễm tài nguyên. Tất nhiên là Nauru thành công khi Australia đồng ý trả 2,6 triệu USD/năm trong vòng 20 năm trong khi New Zealand và Anh trả một lần 12 triệu USD. Dẫu vậy, con số này là không đủ với một quốc gia chẳng còn gì ngoài một hòn đảo ô nhiễm.
Nauru chính thức phá sản khi không thanh toán nổi những khoản vay quốc tế. Chính quyền không có tiền chi trả cho các dịch vụ công. Nauru là quốc gia không thu thuế, hay chính xác hơn là chẳng có mấy công ty còn ở lại mà thu, nên ngân sách nước này gần như trống rỗng.
Từ một nước giàu có, Nauru rơi xuống thành quốc đảo nghèo khổ với GDP chỉ vào khoảng 102 triệu USD, thấp nhất thứ 2 thế giới sau Tuvalu. Khoảng 90% người dân Nauru thất nghiệp, tệ nạn tham những, rửa tiền  tràn lan.
"Giải cứu" quốc gia bằng...nhạc kịch
Thời điểm các mỏ phosphate dần cạn kiệt, các cố vấn tài chính thuyết phục chính phủ tài trợ cho một vở nhạc kịch nhằm tạo ra điểm nhấn văn hóa du lịch kéo khách tới tham quan Nauru.
Cụ thể, một trong những cố vấn tài chính trước đây là một người hướng dẫn cho một ban nhạc pop của Anh và đã đồng sáng tác một vở nhạc kịch với ca sĩ chính của ban nhạc. Tuy nhiên, trong buổi trình diễn ra mắt ở London vào tháng 6/1993, phần lớn khán giả đã bỏ về trước khi màn trình diễn kết thúc. Các nhà phê bình cho rằng, vở kịch này về cơ bản là "chẳng ra cái gì" và Chính phủ Nauru đã lỗ khoảng 7 triệu USD cho vở kịch này.
Chính phủ Nauru đã lỗ vốn khoảng 7 triệu USD cho vở nhạc kịch |
Trước đó, quốc gia này cũng từng nhiều lần mất tiền oan cho các cố vấn tài chính 'dỏm' với con số lên tới hàng chục triệu USD.
Buộc phải rửa tiền để sinh tồn
Để có thể sinh tồn, Nauru buộc phải trở thành thiên đường thuế cũng như là trung tâm rửa tiền tại Nam Thái Bình Dương. Tính đến năm 2000, Nauru có ít nhất 400 ngân hàng ma đăng ký hoạt động trên đảo.
Ngoài ra, Nauru cũng lệ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn trợ cấp từ Australia. Năm 2001, Australia đề nghị trả tiền để Nauru trở thành trung tâm tị nạn cho quốc gia này. Hậu quả là đến năm 2008, Nauru không những là trung tâm rửa tiền của Nam Thái Bình Dương mà còn là nơi tụ tập người tị nạn.
Tính đến nay, có hơn 2.000 người tị nạn  hiện đang ở trong hệ thống gửi gắm ở nước ngoài của Australia. Quốc gia đang khát tiền như Nauru đã nhanh chóng tìm thấy cơ hội làm ăn và Australia đã trả cho Nauru cũng như các quốc gia khác gần 10 tỷ USD trong bốn năm qua để họ chứa chấp người tị nạn.
Vào năm 2014, Nauru làm cho các nhà báo nước ngoài gặp khó khăn nhiều hơn khi công tác ở đây bằng cách tăng lệ phí truyền thông lên tới 40 lần. Mức phí công tác của các nhà báo ở Nauru trước năm 2014 chỉ là 200 USD, sau đó đã được tăng tới... 8.000 USD chỉ để xin yêu cầu đưa tin. Thậm chí, ngay cả khi yêu cầu đưa tin bị bãi bỏ, Chính phủ Nauru cũng sẽ không hoàn trả tiền cho các phóng viên.
Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng người dân đã quá quen với cuộc sống ỷ lại. Thay vì tìm đường phát triển kinh tế, họ lại dựa vào viện trợ quốc tế cũng như tìm kiếm nguồn thực phẩm nhập khẩu rẻ tiền từ Australia hay New Zealand.
Khoảng 94,5% dân số Nauru bị thừa cân và 71,7% bị bệnh béo phì |
Nhằm giải quyết vấn đề sức khỏe cho người dân, chính phủ Nauru đang khuyến khích người dân vận động. Sân bay vốn được xây dựng cho du lịch tại Nauru giờ đây trở thành không gian đi bộ cho cư dân bản địa.