Tỉnh này cũng nằm giữa 3 vùng kinh tế vùng Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng duyên hải miền Trung.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, với phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đường thủy nội địa là một trong những lĩnh vực sẽ được địa phương chú trọng để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Một trong những nội dung đáng chú ý là các tuyến đường thủy Trung ương quản lý và cảng cạn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ thực hiện theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sẽ có 15 tuyến đường thủy nội địa địa phương với quy mô từ cấp VI-II, có tổng chiều dài hơn 191km. Cùng với đó, các cảng và bến thủy nội địa trên các tuyến sông sẽ xây dựng các cảng hàng hóa tổng hợp, cảng chuyên dùng, cảng hành khách, bến thủy hàng hóa, bến hành khách và các cảng, bến thủy khác trên các tuyến sông của tỉnh đảm bảo đồng bộ, tuân thủ quy định của pháp luật.
Cảng Ninh Phúc ở bờ phải sông Đáy |
>> Tỉnh là 'điểm đến tuyệt vời nhất thế giới' sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương 
Cụ thể, địa phương sẽ có 2 tuyến đường thủy nội địa cấp quốc gia với tổng chiều dài 109km, gồm tuyến trên sông Đáy (từ phao số 0 Cửa Đáy đến Ninh Bình (cấp Đặc biệt); từ Ninh Bình đến Hà Nam) và kênh Yên Mô (từ ngã ba Chính Đại đến ngã ba Đức Hậu).
Ngoài ra, sẽ có 14 tuyến đường thủy nội địa địa phương và một tuyến trong các khu du lịch với các luồng tuyến phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.
Đối với các cảng, bến thủy nội địa, bên cạnh những cảng hiện có, tỉnh Ninh Bình định hướng xây dựng hàng chục cảng mới để phục vụ vận chuyển hàng hóa và phục vụ hành khách.
Theo đó, với các cảng thủy nội địa hàng hóa (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) sẽ xây dựng trên sông Đáy (11 cảng), sông Hoàng Long (3 cảng), sông Vạc (2 cảng), kênh Yên Mô (2 cảng).
Ngoài ra, theo Quyết định của UBND tỉnh Ninh Bình, địa phương định hướng xây dựng mới các cảng hàng hóa trên sông Lồng (1 cảng), sông Bôi (1 cảng).
Đối với bến thủy nội địa hàng hóa, theo quy hoạch, tỉnh Ninh Bình sẽ xây mới các bến thủy trên sông Đáy (10 bến), sông Hoàng Long (5 bến), sông Vạc (3 bến), sông Bôi (9 bến) và các bến trên sông Mới.
Bên cạnh phục vụ hàng hóa, với những lợi thế về du lịch, địa phương cũng định hướng xây dựng mới một cảng thủy nội địa hành khách do Trung ương quản lý trên sông Đáy là cảng khách Ninh Bình (thành phố Ninh Bình) và gần 30 bến thủy nội địa hành khách do địa phương quản lý.
Trong việc phát triển các cảng, bến thủy nội địa chuyên dùng, tỉnh Ninh Bình hiện có 7 bến nằm trên sông Đáy, sông Hoàng Long và sông Bôi. Bên cạnh đó, địa phương định hướng xây thêm hai bến mới trên sông Đáy gồm bến chuyên dùng đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa Kim Sơn và bến chuyên dùng đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa Kim Tân tại huyện Kim Sơn. Cùng đó, định hướng phát triển mới thêm các bến nổi kinh doanh xăng dầu.
Quy hoạch lưu ý tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư và các nội dung khác của các công trình sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.
Theo ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, trong năm 2024 và những năm tới, Ninh Bình đặt mục tiêu trở thành tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, phấn đấu là 1 trong 10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Ninh Bình là một tỉnh thuộc phía Nam đồng bằng sông Hồng và nằm ở cửa ngõ cực Nam miền Bắc. Tỉnh này cũng nằm giữa 3 vùng kinh tế vùng Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng duyên hải miền Trung.
Ninh Bình nằm ở trọng tâm của nửa phía Bắc Việt Nam, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra, với phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Nam Định qua sông Đáy, phía Tây Bắc giáp tỉnh Hòa Bình, phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và Biển Đông (Vịnh Bắc Bộ). Với đường bờ biển dài 18km, Ninh Bình là tỉnh có bờ biển ngắn nhất Việt Nam.
Ninh Bình sẽ hướng đến cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á; một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; cơ bản hình thành đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.