Một tỉnh sắp lên TP trực thuộc Trung ương: Sẽ có thêm 10 khu công nghiệp mới đón sóng FDI
Tỉnh sắp lên TP trực thuộc Trung ương này sẽ thành lập thêm 10 khu công nghiệp trong đó có 2 KCN theo mô hình công viên khoa học công nghệ.
Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20250, đến năm 2030, tỉnh sẽ có 42 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 18.600-21.000ha. Trong đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện 33 KCN đã quy hoạch, gồm 29 KCN đã thành lập và 4 KCN đang chuẩn bị đầu tư; thành lập mới 10 KCN; nghiên cứu, chuyển đổi chức năng 1 KCN (KCN Bình Dương).
Giai đoạn 2031-2050, tỉnh Bình Dương sẽ hoàn thiện đầu tư hạ tầng, lấp đầy các KCN đã thành lập; bổ sung 5-6 KCN mới; nghiên cứu chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần 7 KCN (Bình An, Tân Đông Hiệp A, Tân Đông Hiệp B, Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Đồng An, Việt Hương) tại TP. Dĩ An và Thuận An.
Đến năm 2050, trên địa bàn sẽ có 41-42 KCN với tổng diện tích khoảng 25.000ha. Các KCN Bàu Bàng 3, KCN Bàu Bàng 4, KCN Bắc Tân Uyên 2, KCN Dầu Tiếng 1A, KCN Dầu Tiếng 5, KCN Bắc Tân Uyên 4 dự kiến có bố trí quỹ đất để phục vụ công tác di dời công nghiệp ở phía Nam của tỉnh.
Ngoài ra, quy hoạch đề xuất thực hiện 2 KCN theo mô hình công viên khoa học công nghệ (KCN Lai Hưng và KCN Bình Dương Riverside) và 1 KCN chuyên ngành cơ khí (KCN Bắc Tân Uyên 1).
Đối với các KCN mới thành lập, bên cạnh loại hình KCN đa ngành nghề sẽ ưu tiên phát triển theo hướng KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái và KCN công nghệ cao.
Đến năm 2030, trên địa bàn sẽ có 32 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích khoảng 2.200ha. Định hướng chuyển đổi 3 CCN hiện trạng (Bình Chuẩn, An Thạnh, Tân Đông Hiệp) và loại bỏ 1 CCN Phước Hòa chưa triển khai khỏi quy hoạch.
Đến năm 2050, tỉnh Bình Dương sẽ có khoảng 40-45 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.000ha, trong đó giai đoạn 2031-2050 sẽ thành lập mới 10-15 CCN với tổng diện tích khoảng 700ha.
Quy hoạch cũng xác định, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, đến năm 2030, Bình Dương cũng sẽ trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động và toàn diện của khu vực Đông Nam Á. Tỉnh này đặt mục tiêu dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiên tiến.
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cửa ngõ giao thương với TP. HCM.
Vài năm trở lại đây, Bình Dương luôn đứng trong top đầu cả nước về thu hút FDI. Với tốc độ các khu công nghiệp mọc lên như "vũ bão", Bình Dương được xem là "mảnh đất màu mỡ" được nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm vào đầu tư vào logistics.
Theo như báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng như dựa vào các chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023 thì tỉnh Bình Dương là tỉnh giàu nhất Việt Nam với mức GDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm.
>> Một tỉnh là 'thủ phủ' công nghiệp miền Nam, vừa hút 825 triệu USD vốn FDI 
Một 'đại gia' bất động sản Quảng Bình chi hơn 1.500 tỷ đồng xây sân golf mới 
Thành phố lớn thứ 3 Việt Nam đón hơn 200 triệu USD từ các nhà đầu tư Trung Quốc