Vĩ mô

Muốn đẩy mạnh xuất khẩu, cần tuân thủ quy định quốc tế về an toàn dịch bệnh

Đỗ Hương (thực hiện) 24/01/2024 20:25

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) cho rằng, sản xuất nông nghiệp phải đặc biệt chú ý quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật của thị trường nhập khẩu.

Muốn đẩy mạnh xuất khẩu, cần tuân thủ quy định quốc tế về an toàn dịch bệnh- Ảnh 1.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 17/1, Liên minh châu Âu (EU) đăng công báo Quy định thực hiện Quy chế (EU) 2024/286 về việc tạm thời tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu vào EU một số hàng hóa từ một số nước thứ ba.Các mặt hàng của Việt Nam vào EU sẽ chịu giám sát cửa khẩu là ớt chuông, mỳ ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%; đậu bắp, thanh long vẫn nằm trong phụ lục II (thêm yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng từ Việt Nam với tần suất kiểm tra tương ứng là 50 và 20% tại cửa khẩu EU.

Quan điểm của ông về Quy định thực hiện Quy chế (EU) 2024/286 như thế nào, thưa ông?

Ông Ngô Xuân Nam: Trước hết, phải khẳng định, việc EU tăng hay giảm tần suất kiểm tra biên giới đối với mặt hàng nông sản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của các nước thứ ba là hoạt động thường xuyên theo quy định của bạn. Điều quan trọng là làm sao chúng ta phải chủ động quản lý giám sát chất lượng sản phẩm tuân thủ các quy định của thị trường. Bởi theo quy định của EU, cứ 6 tháng 1 lần, Nghị viện châu Âu sẽ họp và xem xét đánh giá tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc phi động vật của nước thứ ba nhập khẩu vào EU. Không chỉ có nông sản, thực phẩm của Việt Nam, nhiều mặt hàng nông sản của các nước khác cũng áp dụng tương tự.

Ví dụ, trong danh sách EU đưa vào Phụ lục I các sản phẩm phải chịu biện pháp kiểm soát chính thức, ngoài sầu riêng của Việt Nam (tần suất kiểm tra: 10%) còn có đậu ván/đậu cô ve của Bangladesh (tần suất kiểm tra: 20%), lá nho từ Ai Cập (tần suất kiểm tra: 20%), đậu đũa từ Sri Lanka (tần suất kiểm tra: 20%), chanh dây từ Thái Lan (tần suất kiểm tra: 10%)…

EU tăng tần suất kiểm tra thực tế đối với sản phẩm đậu đũa của Ấn Độ, đậu mắt đen từ Madagascar, gạo từ Pakistan, hạt thì là từ Thổ Nhĩ Kỳ những cũng đưa ra khỏi Phụ lục I các sản phẩm phải chịu biện pháp kiểm soát chính thức gồm: bạc hà từ Israel, thực phẩm bổ sung có chứa thực vật từ Hàn Quốc...

Như vậy có thể thấy, quy định đánh giá 6 tháng một lần này áp dụng cho tất cả các quốc gia khi có nông sản, thực phẩm có nguồn gốc phi động vật nhập khẩu vào EU. Liên quan đến thông báo mới nhất, phải nói rõ, đây là thông báo của Ủy ban châu Âu gửi cho Ban thư ký WTO để các quốc gia/vùng lãnh thổ biết và thực hiện chứ không phải thông báo cảnh báo của EU đối với nông sản Việt Nam.

Hiện, chúng ta có 5 mặt hàng thuộc diện kiểm soát theo Phụ lục 1 khi xuất khẩu vào EU (chịu tần suất kiểm tra biên giới) là: ớt chuông, mì ăn liền và vừa bổ sung sầu riêng. Có 2 mặt hàng đậu bắp, thanh long thuộc Phụ lục 2. Như vậy, so với thông báo 6 tháng cuối năm 2023 thì 4 mặt hàng vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra và bổ sung sầu riêng.

Theo ông, đâu là lý do sầu riêng của Việt Nam bị đưa vào diện kiểm soát biên giới và việc này có ảnh hưởng đến xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vào EU không?

Ông Ngô Xuân Nam: Theo dữ liệu thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, trong năm 2023, Hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF) đã phát đi 4.681 cảnh báo đối với tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ nhập khẩu nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi vào EU. Trong đó, một số nước có trên 280 cảnh báo (chiếm khoảng trên 6% tổng số cảnh báo), Việt Nam chỉ có 67 cảnh báo (chiếm khoảng 1,4%), giảm 5 cảnh báo (4%) so với cùng kỳ năm 2022 (72 cảnh báo). Về sầu riêng, sáu tháng cuối năm 2023, Việt Nam chỉ có 3 lô hàng sầu riêng khoảng hơn 1 tấn: một lô có 90 kg, 2 lô còn lại là 515 kg và 525 kg vi phạm quy định của EU, nên đây là một trong những lý do sầu riêng bị EU đưa vào diện kiểm soát.

Tôi cho rằng, việc sầu riêng bị kiểm tra 10% không ảnh hưởng nhiều đến ngành hàng, bởi trong thương mại nông sản, vấn đề kiểm soát biên giới đối với nông sản với nhiều tần suất khác nhau, dao động từ 5 đến 50% là việc diễn ra thường xuyên theo quy định EU để đảm bảo sức khỏe cho người và động thực vật nhưng đã ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của ngành hàng. Ở Việt Nam, khi nhập khẩu nông sản, thực phẩm, cũng kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tương tự vậy, các quốc gia khác cũng đưa ra những quy định để kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Muốn đẩy mạnh xuất khẩu, cần tuân thủ quy định quốc tế về an toàn dịch bệnh- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Việc 3 lô hàng sầu riêng bị cảnh báo trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ ảnh hưởng thế nào đến xuất khẩu mặt hàng này?

Ông Ngô Xuân Nam: Với mặt hàng sầu riêng, nhìn chung, thời gian qua Việt Nam đã làm tốt công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh cũng như đưa ra nhiều khuyến cáo tới nông dân, HTX, doanh nghiệp thông qua các hội nghị, tập huấn, nhằm giúp người sản xuất chuẩn hóa quy trình canh tác, thực hành nông nghiệp tốt, cũng như trong quá trình sơ chế, đóng gói sản phẩm theo yêu cầu thị trường nước nhập khẩu.

Việc 3 lô hàng bị cảnh báo trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể do sơ suất ở một khâu nào đó. Đây có thể là các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ lẻ (buôn chuyến), chưa có kinh nghiệm trong việc thu mua nông sản, không kiểm soát kỹ chất lượng đầu vào và nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp, HTX và cơ quan quản lý cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để kiểm soát tốt mức dư lượng thuốc BVTV đối với sầu riêng và tất cả nông sản khác nói chung. Nếu doanh nghiệp, HTX kiểm soát tốt mức dư lượng với sầu riêng và nông sản khác thì 6 tháng tiếp theo EU có thể đưa ra khỏi danh sách.

Sầu riêng là ngành hàng tỷ đô, với kim ngạch xuất khẩu năm vừa qua vượt 2 tỷ USD. Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu, nhưng chỉ vì 3 lô hàng, EU đã gửi thông báo đến WTO. Hơn lúc nào hết, chúng ta đang rất cầu sự đồng hành của cơ quan quản lý các cấp trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hành nông nghiệp tốt, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc BVTV đúng cách, cũng như khuyến nghị người dân hiểu đúng các quy định.

Trước đây, Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng bị EU đưa vào diện kiểm soát với tần suất kiểm tra tương đối cao. Nhưng đến nay, nhờ nỗ lực của doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý, chúng ta đã kiểm soát tương đối tốt vấn đề dư lượng thuốc BVTV. Đặc biệt, Việt Nam đã đưa được mặt hàng rau gia vị khỏi danh mục kiểm tra của EU, hay chuyển mì ăn liền từ Phụ lục 2 sang Phụ lục 1 - không yêu cầu lấy mẫu và phân tích kèm lô hàng xuất khẩu.

Từ thực tế này, ông có khuyến cáo gì cho người dân, doanh nghiệp?

Ông Ngô Xuân Nam: Từ kinh nghiệm này, tôi cho rằng trước hết người nông dân trong quá trình tổ chức sản xuất, canh tác cần tuân thủ đúng các quy định của EU về kiểm soát thuốc BVTV, đặc biệt với những hoạt chất không có trong danh danh sách cấm của EU thì khối này mặc định ở mức 0,01 ppm. Với những hoạt chất cho phép, bà con tuyệt đối tuân thủ quy tắc "4 đúng" - đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng - nồng độ và đúng cách. Trong đó, phải đảm bảo thời gian cách ly đến lúc thu hoạch là không còn tồn dư thuốc BVTV.

Một vấn đề nữa, là bà con phải tích cực chuyển đổi sang hướng canh canh tác hữu cơ, sử dụng các hoạt chất sinh học, chế phẩm sinh học để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, là sự phối hợp, đồng hành của các doanh nghiệp trên quan điểm tiếp cận đồng quản lý chất lượng sản phẩm giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Hiện nay, không riêng gì thị trường EU, hầu hết các thị trường đều đưa ra cảnh báo dù chỉ một lô hàng vi phạm. Điều ấy sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của cả ngành hàng và minh chứng vừa qua là 3 lô hàng sầu riêng có hơn 1 tấn xuất khẩu vào EU từ năm 2023.

Về phía doanh nghiệp, có lẽ đã tới lúc nhận thức một cách sâu sắc rằng chỉ cần bị "tuýt còi" 1 lần thôi là sẽ kéo theo tất cả doanh nghiệp khác trong ngành chịu mức kiểm soát tăng cường ở cửa khẩu. Giả sử, vi phạm vừa qua nghiêm trọng hơn, không loại trừ khả năng EU sẽ đưa sầu riêng vào Phụ lục 2, nghĩa là vừa chịu tần suất kiểm tra 10%, vừa bị yêu cầu lấy mẫu và phân tích gửi kèm theo lô hàng. Những công đoạn này chắc chắn sẽ gây tốn kém chi phí lên nhiều lần cho doanh nghiệp.

Càng hội nhập sâu rộng, chúng ta càng phải nghiên cứu, tuân thủ chặt chẽ luật chơi quốc tế, đặc biệt là với những thị trường có nhiều quy định về mức dư lượng thuốc BVTV và các quy định về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững như EU. Không riêng gì ngành hàng sầu riêng, tất cả các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu đều phải lưu ý tuân thủ mọi quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh (SPS) , để tránh việc bị đưa vào danh sách kiểm soát hoặc tăng tần suất kiểm soát ở biên giới, hay nặng hơn là yêu cầu thêm chứng nhận phân tích mẫu khi xuất khẩu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


>> Nửa tháng thu gần 300 triệu USD, nông dân bán cà phê 'ăn Tết to'

Triều Tiên đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm làm đẹp sang Trung Quốc

Quốc gia ĐNA từng giàu hàng đầu châu lục, thu nhập đầu người gấp 8 lần Việt Nam nay thua nước ta nhiều thứ, là khách hàng lớn nhất của gạo Việt xuất khẩu

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/muon-day-manh-xuat-khau-can-tuan-thu-quy-dinh-quoc-te-ve-an-toan-dich-benh-102240124180315729.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Muốn đẩy mạnh xuất khẩu, cần tuân thủ quy định quốc tế về an toàn dịch bệnh
    POWERED BY ONECMS & INTECH