Mỹ áp thuế 46% với Việt Nam, 20 nhóm ngành cụ thể trên TTCK chịu tác động thế nào?
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, chính sách thuế mới của Mỹ tạo ra sự phân hoá rõ nét trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Một số ngành đối mặt rủi ro lớn, trong khi các ngành khác vẫn ổn định hoặc thậm chí có thể hưởng lợi.
![]() |
VN-Index đến hết phiên sáng 8/4 đã giảm gần 180 điểm sau thông tin thuế quan Mỹ |
Ngày 2/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức công bố Sắc lệnh áp thuế 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 5/4/2025. Đồng thời, Mỹ sẽ áp thuế đối ứng lên hàng hóa từ các quốc gia/vùng lãnh thổ có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, trong đó mức áp cho Việt Nam là 46%, bắt đầu từ ngày 9/4/2025. Tuy nhiên, mức thuế này có thể được điều chỉnh sau cuộc đàm phán sắp tới.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thông tin trên có thể tạo áp lực ngắn hạn lên tỷ giá. Dù vậy, VCBS cho rằng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
VCBS đánh giá sơ bộ tác động đến từng ngành:
- Vật liệu xây dựng: Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim ít bị ảnh hưởng do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp và chỉ chịu thuế Mục 232 (25%). BMP gần như không xuất khẩu sang Mỹ. Ngược lại, PTB và VCS chịu ảnh hưởng rất tiêu cực do sản phẩm đá ốp lát xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn và bị áp thuế cao. VGC bị ảnh hưởng nhẹ, nhưng có thể chịu tác động gián tiếp qua nhu cầu thuê KCN.
- Dệt may: TCM, TNG , MSH, VGT, STK chịu tác động tiêu cực do tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ cao, trong khi Mỹ áp thuế cao hơn cho Việt Nam so với các đối thủ như Ấn Độ và Bangladesh.
- Thực phẩm - Thủy sản: VHC, FMC, MPC chịu ảnh hưởng tiêu cực do xuất khẩu lớn vào Mỹ. ANV, IDI, CMX chịu tác động trung lập.
- Hóa chất: DGC ảnh hưởng không đáng kể. DRC chịu tác động tiêu cực vì xuất khẩu săm lốp sang Mỹ chiếm 28% doanh thu.
- Vận tải biển - Cảng biển: GMD , HAH, VOS, VSC chịu tác động gián tiếp từ hoạt động XNK hàng hóa. PVT chịu ảnh hưởng trung lập.
- Ngân hàng: Ảnh hưởng trung lập, nhưng các ngân hàng có tỷ trọng cho vay FDI lớn có thể chịu tác động gián tiếp.
- Dầu khí, phân bón, điện, nước: Ảnh hưởng trung lập hoặc hưởng lợi gián tiếp nếu giá dầu giảm.
- Bán lẻ: MWG , DGW, FRT, MSN ảnh hưởng trung lập. PNJ có thể được hưởng lợi từ tâm lý tích trữ vàng.
- Ô tô, cao su: HAX, VEA, HUT, DPR, PHR, GVR chịu tác động nhẹ hoặc trung lập, chủ yếu gián tiếp qua tỷ giá và nhu cầu thuê KCN.
- Khu công nghiệp: BCM, SIP, SZC, IDC, KBC chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng đến nhu cầu thuê của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và FDI.
- Bất động sản: NLG , VHM, DXG, KDH, VRE, VIC, HQC, NVL, DIG, PDR ảnh hưởng trung lập, nhưng có thể chịu áp lực từ việc thu nhập người dân suy giảm.
- Xây dựng: CTD , HBC, VCG chịu tác động trung lập.
- Chứng khoán: SSI , HCM ít ảnh hưởng do tỷ trọng lớn đến từ margin và đầu tư giấy tờ có giá. Ngược lại, VIX, SHS có thể chịu tác động mạnh do lệ thuộc nhiều vào đầu tư cổ phiếu.
- Công nghệ: FPT không bị ảnh hưởng từ chính sách thuế.
>> Dòng tiền 'xoay vòng': Cơ hội xuất hiện trong những nhịp điều chỉnh