Mỹ cần 4 đồng nợ để GDP tăng thêm 1 đồng, chuyên gia cảnh báo 'đồng hồ tận thế' đã điểm, Bitcoin chính là lối thoát?
Trong 20 năm qua, Mỹ cần đến 185 nghìn tỷ USD nợ để tạo ra khoảng 46 nghìn tỷ USD tăng trưởng GDP.
Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp thành lập Quỹ tài sản có chủ quyền của Mỹ, nhằm chuyển đổi tài sản chính phủ thành các khoản đầu tư sinh lời. Quyết định này đã làm dấy lên nhiều tranh luận về cơ cấu của quỹ cũng như khả năng đưa Bitcoin vào danh mục dự trữ chiến lược.

Theo Jeff Booth, doanh nhân và tác giả của cuốn "The Price of Tomorrow", hệ thống kinh tế hiện tại đang phụ thuộc quá nhiều vào nợ để thúc đẩy tăng trưởng, dẫn đến tình trạng thiếu bền vững.
Ông cho biết, “Trong 20 năm qua, cần đến 185 nghìn tỷ USD nợ để tạo ra khoảng 46 nghìn tỷ USD tăng trưởng GDP". Booth cũng nhấn mạnh rằng trong khi chu kỳ nợ ngày càng khó kiểm soát, công nghệ lại thúc đẩy giảm phát, khiến các chính sách tiền tệ truyền thống trở nên kém hiệu quả.
Khi nợ chính phủ  đạt mức kỷ lục, Booth cho rằng Bitcoin là lối thoát cần thiết khỏi một hệ thống tài chính không bền vững. “Bitcoin chính là giải pháp cho vấn đề này,” ông nhấn mạnh, chỉ ra rằng nền kinh tế dựa vào nợ đã bị phá vỡ về mặt cấu trúc.
Theo ông, “nợ hiện tại đã mất khả năng thanh toán”, và cách duy nhất để duy trì hệ thống là liên tục in tiền và tạo ra lạm phát. Booth cảnh báo rằng việc chính phủ thao túng lãi suất và mở rộng tín dụng chỉ đang trì hoãn một cuộc khủng hoảng tất yếu.
Không như tiền pháp định có thể bị mất giá vô hạn, Bitcoin vận hành trên một hệ thống phi tập trung, được hỗ trợ bởi năng lượng và có nguồn cung cố định, khiến nó không thể bị thao túng bởi các ngân hàng trung ương.
Mặc dù ý tưởng về một quỹ tài sản có chủ quyền của Mỹ còn mới, nhiều mô hình tương tự đã tồn tại trên thế giới trong nhiều thập kỷ. Ví dụ, Quỹ Hưu trí Chính phủ Na Uy quản lý hơn 1,3 nghìn tỷ USD, chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản. Quỹ Đầu tư Công (PIF) của Ả Rập Xê Út nắm giữ hơn 700 tỷ USD tài sản, tập trung vào đa dạng hóa nền kinh tế. Trong khi đó, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) kiểm soát gần 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối.
Booth cho rằng việc đưa Bitcoin  vào các quỹ như vậy có thể thay đổi cục diện tài chính toàn cầu, vì nó hoạt động ngoài sự kiểm soát của chính phủ và được bảo vệ bởi mạng lưới phi tập trung.
Ông cũng nhấn mạnh rằng ngày càng nhiều nhà đầu tư tổ chức và chính phủ quan tâm đến Bitcoin, “Nhiều tổ chức đang mua vào. Việc khai thác Bitcoin diễn ra khắp thế giới nhằm chuẩn bị trước, nhưng họ không công khai điều đó”.
Vào tháng 7/2024, Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis đã đề xuất dự luật thành lập dự trữ Bitcoin chiến lược của Mỹ, với đề xuất phân bổ tối đa 5% dự trữ quốc gia vào Bitcoin.
Mặc dù Bitcoin có thể biến động mạnh, như Booth đã chỉ ra qua ví dụ về sự sụt giảm 30% vào năm 2018 và tăng hơn 100% trong 6 tháng đầu năm 2019, xu hướng dài hạn vẫn được đánh giá là tích cực trong bối cảnh những thay đổi lớn của hệ thống tiền tệ toàn cầu.
Tuy nhiên, dự luật vẫn đang được thảo luận do lo ngại về sự biến động và các quy định giám sát.
Theo Kitco News
>> Loại tài sản ‘đắt xắt ra miếng’ vẫn hút dòng tiền, các NHTW đua nhau ‘gom hàng’ 
TikTok ‘bùng nổ’: Công ty mẹ được định giá kỷ lục 300 tỷ USD, gây chấn động thị trường 
Bong bóng nợ công của Mỹ có thể tăng gấp đôi trong nhiệm kỳ của ông Trump