Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày, Việt Nam cần làm gì ngay?
Việc chính quyền Mỹ tạm hoãn áp thuế để tiếp tục đàm phán là một cơ hội, nhưng đồng thời cũng là lời cảnh báo. Trong bối cảnh thế giới đầy bất định, Việt Nam cần xác lập rõ chiến lược phát triển mang tính quyết định cho giai đoạn sắp tới.
Cơ hội để thương lượng
Không bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại, không đối đầu và không gây căng thẳng, Việt Nam đã đề nghị đưa mức thuế nhập khẩu về 0% với hàng nhập từ Mỹ và muốn nước này áp mức thuế tương tự với hàng hóa Việt Nam.
Chia sẻ với PV VietNamNet, TS Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, cho hay: Định hướng của chúng ta là đúng đắn!
Theo ông, khi nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài thì chúng ta phải đảm bảo môi trường thuận lợi nhất có thể. Trong đó, thuế nhập khẩu vào các thị trường lớn phải thấp nhất có thể, mà Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng, tạo môi trường ổn định, không xung đột là để thu hút đầu tư. Thời gian qua, phần lớn lượng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là nhờ có môi trường chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Việc Mỹ hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày và có cơ hội để thương lượng là điều kiện rất tốt.
"Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu đây chỉ là bước khởi đầu, bởi có nhiều vấn đề trên bàn đàm phán mà chúng ta không lường hết được”, TS Vũ Thành Tự Anh nói.
TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc đàm phán, Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và bằng chứng xác thực để thuyết phục đối tác. Đồng thời, cần chủ động vận động chính sách, đặc biệt là với những nhân vật có ảnh hưởng đến Tổng thống Trump.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ quan điểm "mức thuế quan mà Mỹ đưa ra ban đầu 46% để đàm phán, chứ không phải để áp dụng".
Do đó, việc Mỹ hoãn thuế đối ứng 46% với Việt Nam và các nước trong thời gian 90 ngày là thời gian để chúng ta chuẩn bị đầy đủ cho việc đàm phán, phải lường trước các tình huống. Theo ông, dù hoãn mức thuế nhưng tất cả các nước đều chịu mức thuế tối thiểu 10%.
"Rất khó quay trở lại mức thuế quan như cũ", ông Phạm Thế Anh nhận định, "Dù kết quả đàm phán trong 90 ngày tới ra sao thì hoạt động thương mại quốc tế cũng thay đổi. Điều này đặt cho Việt Nam nhiều thách thức".
Tạm hoãn áp thuế để tiếp tục đàm phán là cơ hội, nhưng cũng là cảnh báo
PGS.TS Phạm Thế Anh phân tích, cuộc chơi thương mại toàn cầu đã thay đổi nên Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm để tránh phụ thuộc vào một thị trường lớn.
Ngoài việc đàm phán với Mỹ, Việt Nam cũng cần chủ động làm việc với các đối tác thương mại lớn khác liên quan đến vấn đề xuất xứ hàng hóa, nhằm thích ứng hiệu quả với những thay đổi chính sách từ chính quyền ông Trump.
Chiến lược sống còn trong giai đoạn tới là đa dạng hóa – cả về thị trường lẫn ngành hàng – và gia tăng giá trị đóng góp của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, Việt Nam cần mạnh dạn khai thác các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Nam Mỹ, hay Châu Phi.
Song song với đó, cần tránh phụ thuộc quá mức vào một vài ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tăng trưởng kinh tế bền vững phải dựa trên giá trị gia tăng, chứ không chỉ dừng lại ở mô hình gia công. Bởi khi thị phần xuất khẩu càng lớn, Việt Nam sẽ càng đối mặt với nhiều rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại và chính sách thuế quan của các nước.
“Ngay cả khi chấp nhận quy mô xuất khẩu giảm, nhưng nếu giá trị gia tăng trong xuất khẩu tăng lên, tăng trưởng vẫn có thể đạt được. Khi đó, lợi ích mang lại cho nền kinh tế vẫn được đảm bảo, đồng thời giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp thuế quan của các nền kinh tế lớn”, PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Chính phủ đang tiến hành rà soát từng ngành hàng, đánh giá lại tiềm năng và thế mạnh, nhằm xây dựng chiến lược phù hợp trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều biến động. Đặc biệt, đối với khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cần đặt ra các điều kiện nhất định về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm khi hướng tới xuất khẩu.
“Việc chính quyền Mỹ tạm hoãn áp dụng thuế quan để tiếp tục đàm phán là cơ hội, nhưng cũng là cảnh báo. Một trong những điều kiện được dự báo sẽ liên quan đến tỷ lệ nội địa hóa và xuất xứ sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, cũng như chính sách vĩ mô của Chính phủ, cần hướng đến việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nhằm giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại”, ông Thế Anh đề xuất.
Trong khi đó, TS Vũ Thành Tự Anh lưu ý, bên cạnh việc đàm phán, chúng ta phải chuẩn bị các điều kiện, bằng chứng để thuyết phục đối tác. Đồng thời, cần vận động chính sách đối với những người có ảnh hưởng tới ông Trump.
>> Thủ tướng: Việt Nam tiếp tục tích cực trao đổi với phía Mỹ về thuế quan