Mỹ siết chặt trợ cấp xe điện, rào cản cho các hãng pin ô tô Trung Quốc
Kể từ 1/1/2024, các quy định siết chặt trợ cấp xe điện liên quan đến nguồn gốc linh kiện sản xuất ngoài nước Mỹ sẽ khiến nhiều hãng xe lớn như Ford, Tesla bị ảnh hưởng đáng kể.
Ngày 1/12 vừa qua là vừa tròn 11 tháng, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của chính phủ Mỹ chính thức có hiệu lực. Với trọng tâm là chính sách tài trợ tín dụng thuế lên đến 7.500 USD đối với hoạt động mua sắm xe năng lượng xanh được sản xuất tại Bắc Mỹ dành cho người tiêu dùng trong nước, Đạo luật này đã cho thấy hiệu quả trong việc góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của doanh số xe điện tại Mỹ trong năm 2023.
Tuy nhiên, cũng vào ngày 1/12, Chính phủ Mỹ đã công bố những động thái siết chặt các điều kiện để được hưởng ưu đãi tín dụng thuế của Đạo luật IRA nhằm hạn chế việc phụ thuộc nguyên vật liệu sản xuất xe điện vào nước ngoài.
Những chính sách gắt gao hơn
Lần đầu tiên, Bộ Năng lượng Mỹ cho công bố thuật ngữ “Thực thể nước ngoài cần quan tâm” được gọi tắt là FEOC đề cập đến 4 quốc gia là Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran.
Theo đó, các khoản tài trợ thuế của Chính phủ đối với xe điện sẽ loại trừ một phần hoặc toàn phần ưu đãi đối với những mẫu xe có sử dụng pin hay bộ pin được sản xuất từ các nguyên liệu quan trọng được cung cấp bởi các nước thuộc nhóm FEOC.
Theo quy định hiện nay của Bộ Tài chính Mỹ, các mẫu xe điện  sản xuất tại Bắc Mỹ có trên 50% tổng giá trị các loại linh kiện trong bộ pin được chế tạo hoặc lắp ráp tại Bắc Mỹ sẽ được hưởng khoản tín dụng thuế 3.750 USD; trên 40% tổng giá trị các loại nguyên liệu chế tạo pin được khai thác, chế biến hoặc tái chế tại Bắc Mỹ, các nước ký FTA với Mỹ sẽ được hưởng khoản tín dụng thuế 3.750 USD. Các mẫu xe đáp ứng cả 2 điều kiện này về pin (kèm nhiều điều kiện khác) sẽ được đầy đủ khoản tín dụng 7.500 USD.
Song, từ 1/1/2024, khoản tín dụng ưu đãi trên sẽ giảm dần. Cụ thể, từ năm 2024, các mẫu xe điện có bộ phận pin được sản xuất hoặc lắp ráp tại các nước thuộc nhóm FEOC sẽ chỉ nhận được khoản tín dụng 3.750 USD. Từ năm 2025, tất cả các mẫu xe điện vẫn sử dụng các loại linh kiện có nguồn gốc từ FEOC đều sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi chương trình ưu đãi tín dụng thuế.
Ngoài ra, quy định siết chặt đáng chú ý tiếp theo là, mọi công ty Mỹ có tỉ lệ cổ phần hay số ghế Hội đồng quản trị của các đối tác thuộc FEOC vượt quá 25% cũng sẽ đều bị coi là các công ty FEOC và sẽ không được hưởng tín dụng thuế xe điện từ chính phủ Mỹ. Dù cho việc sở hữu 25% cổ phần hay HĐQT chỉ chiếm thiểu số, không có quyền quyết định hay tiếng nói chủ chốt trong doanh nghiệp nhưng vẫn bị cho là “ảnh hưởng đáng kể đến việc ra quyết định của công ty đó”.
Cuối cùng, dù cho một công ty không thuộc về các tổ chức liên quan tới Trung Quốc, tham gia vào HĐQT với mức độ trên 25% đối với một công ty xe điện tại Mỹ, nhưng công ty mẹ của công ty này, là một công ty Trung Quốc và chiếm từ 50% cổ phần trở lên, thì nghiễm nhiên, công ty xe điện đó cũng bị coi là công ty của thực thể liên quan đến Trung Quốc. Đây là mức độ kiểm soát ở tính chất bắc cầu, quyết hạn chế ở mức tối đa sự lách luật đối với thực thể FEOC.
Động thái siết chặt trên có mục đích bảo hộ cho các công ty xe điện thuần Mỹ, khuyến khích tăng cường sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 100%, thoát khỏi sự phụ thuộc vào pin và các nguyên liệu sản xuất pin của Trung Quốc.
Quy định mới gây khó với hàng loạt các ông lớn xe điện tại Mỹ
Trong thời đại 4.0 như hiện nay, hợp tác kinh tế, liên kết đầu tư giữa các công ty từ các quốc gia khác nhau, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô là xu thế tất yếu. Hầu hết, các tập đoàn ô tô đều là các tập đoàn đa quốc gia, sở hữu bởi các cổ đông lớn từ nhiều nước khác nhau. Đặc biệt, đối với những thương hiệu ô tô Trung Quốc (một trong các nước được Mỹ đưa vào nhóm thuộc FEOC), việc hợp tác với các hãng xe hơi từ Mỹ đã diễn ra nhiều thập kỉ qua.
Trong bối cảnh công nghệ xe điện tại Trung Quốc đang phát triển nhanh nhất trên thế giới, sự hợp tác giữa các hãng xe với nước này ngày càng nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực pin xe điện.
Khi quy định mới được công qua, Tesla là hãng xe đầu tiên cho biết mẫu xe điện “quốc dân” Tesla Model 3 với 2 phiên bản là dẫn động cầu sau (RWD) và tầm xa (Long Range) sẽ bị mất một nửa tín dụng thuế, giảm xuống chỉ còn 3.750 đô la so với 7.500 đô la như trước đây kể từ ngày 1/1/2024. Lý do là các mẫu xe này có sử dụng thành phần pin hoặc toàn bộ bộ pin do CATL hoặc BYD của Trung Quốc cung cấp.
Tiếp đó, Ford cũng thông báo những người mua xe Crossover điện Mustang mach-E kể từ năm 2024 sẽ không còn nhận được tín dụng thuế từ Chính phủ do sử dụng các thành phần pin của CATL của Trung Quốc. Năm 2023, mẫu xe này đang được tài trợ đối với người mua là 3.750 đô la.
Một số lo ngại cũng chỉ ra rằng, công ty xe điện khởi nghiệp Vinfast đến từ Việt Nam cũng sử dụng các thành phần pin CATL và sau khi hoàn thành nhà máy cũng như dây chuyền sản xuất xe điện tại Mỹ, xe điện thương hiệu này có thể nhận được khoản tín dụng 3.750 đô la thay vì mức tối đa 7.500 đô la.
Các quy định mới của chính phủ Mỹ hiện đang vấp phải sự phản đối không nhỏ của các nhà sản xuất trong nước cũng như từ phía các quốc gia được cho là thuộc FEOC, đặc biệt là từ Chính phủ Trung Quốc. Đây là rào cản lớn loại bỏ cơ hội cạnh tranh của những hãng xe điện Trung Quốc muốn chen chân vào được thị trường ô tô Mỹ. Hiện, các mẫu xe điện thuần Mỹ như Ford F-150, Tesla Model Y/S/X, Rivian, Chevrolet Bolt... sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính sách siết chặt trợ cấp trên.
Theo nghiên cứu mới nhất của Bloomberg, thị trường xe điện tại Mỹ đang bùng nổ ấn tượng, bất chấp các dự báo bi quan. Trong 12 tháng qua, doanh số xe điện tại Mỹ đã vượt mốc 1 triệu xe. Kể từ năm 2011 đến nay, nước Mỹ đã bán ra 3 triệu xe điện. Tỷ lệ sở hữu xe mới là xe điện đã lên tới 7%. Trong đó, xe điện Tesla chiếm 60% thị phần.
>> Nhiều 'ông lớn' xe điện Trung Quốc gấp rút xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn riêng 
Chính phủ có thể đóng cửa, dân Mỹ sẽ phải đối mặt với những hệ lụy nào? 
Ông Trump và tỷ phú Elon Musk có thể khiến Chính phủ Mỹ đóng cửa