Năm 2025 nên đầu tư ít nhất 4 mã công nghệ, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản
Danh mục đầu tư năm 2025 nên có ít nhất 1 mã ngân hàng, 1 mã chứng khoán, 1 mã công nghệ và 1 mã bất động sản - chuyên gia môi giới chứng khoán khuyến nghị.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng môi giới, VPBank Securities, phân tích lý do vì sao danh mục đầu tư  trong nửa đầu năm 2025 nên có ít nhất 1 mã ngân hàng, 1 mã chứng khoán, 1 mã công nghệ và 1 mã bất động sản. Đồng thời, gợi ý một số mã chứng khoán có thể tham khảo trước khi quyết định đầu tư.
Công nghệ
Ngành công nghệ đang phát triển mạnh với những lĩnh vực mới nổi như trung tâm dữ liệu, bán dẫn, AI (trí tuệ nhân tạo) và 5G,... phục vụ kinh tế số, chuyển đổi số. Các doanh nghiệp công nghệ có dư địa hấp dẫn để đầu tư cho năm 2025.
Đáng chú ý, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đạt 557 triệu USD năm 2022, dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR (tăng trưởng kép) trên 10,8% cho đến năm 2029, lên mức 1,14 tỷ USD. 60% trung tâm dữ liệu của cả nước do 4 công ty lớn (Viettel, VNPT, FPT, CMC) kiểm soát.
Thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2025-2026, được thúc đẩy bởi sự ra mắt của nhiều trung tâm dữ liệu mới từ các nhà cung cấp lớn như FPT, Viettel, VNG.
Một số mã tham khảo
* FPT (Công ty Cổ phần FPT)
Dự báo doanh thu viễn thông sẽ tăng 9,5% năm 2025 và 9,1% năm 2026 nhờ sự mở rộng của các trung tâm dữ liệu và sự phục hồi trong quảng cáo trực tuyến, khi các doanh nghiệp khôi phục ngân sách quảng cáo.
Việc hợp tác với NVIDIA (nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới) sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu dài hạn cho FPT trong giai đoạn 2025-2030, khi AI trở thành xu hướng mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Dự báo lợi nhuận ròng của FPT tăng trưởng 22,5% năm 2024, 21,1% năm 2025, 21,4% năm 2026 so với cùng kỳ.
* CTR (Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel)
Xu hướng đẩy mạnh làn sóng thương mại 5G là động lực tăng trưởng chính cho CTR khi các trạm BTS được lắp nhiều hơn.
Đối với mảng TowerCo (đầu tư cho thuê hạ tầng viễn thông), CTR và OCK là 2 doanh nghiệp chính hoạt động trong ngành, các đối thủ còn lại sở hữu một số lượng trạm khá nhỏ.
Hiện tại, hầu hết thị trường TowerCo trong khu vực đã qua giai đoạn phát triển, do đó, dư địa định giá cho những thị trường non trẻ, mới bắt đầu giai đoạn đầu tư như Việt Nam sẽ cao hơn những thị trường bão hòa.
Ngân hàng
Ngân hàng vẫn là ngành chủ chốt của nền kinh tế. Năm qua, dù kinh tế khó khăn, lợi nhuận của ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt nhất thị trường so với các ngành khác.
Năm 2024, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 15% so với cùng kỳ; năm 2025 dự kiến tăng trưởng tốt hơn, khoảng 17,7%.
Năm 2025, trong danh mục của nhà đầu tư phải có ít nhất 1 mã ngân hàng.
Một số mã tham khảo
* CTG (Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank)
Năm 2025, lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh lên mức 26,2% so với cùng kỳ nhờ thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 24,9% và 18,5% so với cùng kỳ.
Chi phí trích lập dự phòng tăng 11,7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) dự báo đạt 136%, top 3 toàn ngành.
* HDB (Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM - HDBank)
Năm 2025, lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng tăng tốc lên mức 29,7% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ thu nhập ngoài lãi được dự báo tăng 47,4% trong khi thu nhập lãi thuần giảm tốc nhẹ. NIM (biên lãi ròng) được duy trì ở mức 5,4%, chi phí tín dụng ở mức 1,1% (tương đương năm 2024).
Chỉ số P/B (chỉ số dùng để so sánh giá của một cổ phiếu với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó) cao hơn so với các ngân hàng tương đương như MBB, ACB, TCB, phản ánh khả năng duy trì ROE vượt trội, luôn trên 20% kể từ năm 2020.
* TCB (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank)
Năm 2025 kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng như năm 2024 nhờ thu nhập ngoài lãi tăng trưởng cao hơn trong khi thu nhập lãi thuần có mức tăng trưởng thấp hơn năm trước dưới áp lực khó gia tăng NIM.
Chi phí trích lập dự phòng được dự báo sẽ giảm nhẹ nhờ nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.
* MBB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - MBBank)
Tín dụng tăng trưởng trong Top cao nhất ngành. NIM kỳ vọng cải thiện nhờ gia tăng tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn), cải thiện tỷ suất sinh lời khi các khách hàng quay lại trả nợ và tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ.
Thu nhập từ phí dịch vụ rất khả quan - hoạt động dịch vụ bán chéo sản phẩm của MBB phục hồi tốt trong năm 2024 và kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào thu nhập ngoài lãi.
Chứng khoán
Dư nợ margin (cho vay ký quỹ) tại các công ty chứng khoán Việt Nam tính đến cuối năm 2024 đạt kỷ lục 245.000 tỷ đồng, tương đương gần 10 tỷ USD, là nguồn động lực cho lợi nhuận ngành chứng khoán.
Một số mã tham khảo
* SSI (CTCP Chứng khoán SSI)
Hưởng lợi lớn nhất từ triển vọng thị trường tích cực trong năm 2025. Là công ty chứng khoán hàng đầu hưởng lợi từ nâng hạng thị trường. Room cho vay margin còn nhiều, trong top các công ty chứng khoán.
* HCM (CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh)
Hưởng lợi từ nâng hạng thị trường với trên 30% giao dịch từ nhà đầu tư nước ngoài. Phát hành tăng 50% vốn gia tăng cho vay margin.
* VCI (Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap)
Hưởng lợi hàng đầu từ nâng hạng thị trường do 50% giao dịch từ nhà đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh cho vay margin và giảm tỷ trọng tự doanh giúp lợi nhuận tăng trưởng. Mảng IB (ngân hàng đầu tư) có tín hiệu tích cực trong năm 2025.
Bất động sản
Nguồn cung bất động sản dân cư đã phục hồi dù vẫn còn khiêm tốn. Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp bất động sản không còn là mối lo ngại lớn. Các hoạt động liên quan đến tái cấu trúc vốn và M&A trong lĩnh vực bất động sản dân cư dự báo sẽ sôi động vào năm 2025.
Định giá của nhóm ngành bất động sản dân cư hiện ở mức tương đối thấp, khả năng nhóm cổ phiếu bất động sản dân cư sẽ được định giá lại để phù hợp hơn. Triển vọng ngành đang có những tín hiệu tích cực.
Một số mã tham khảo
* KDH (Tập đoàn Khang Điền):
Các dự án Privia bàn giao từ quý IV/2024 thúc đẩy việc phục hồi lợi nhuận.
Hai dự án dự kiến mở bán trong quý I/2025 gồm Emeria (với 60 căn thấp tầng, 600 căn cao tầng) và Clarita (với 159 căn thấp tầng) và dự án Solina (giai đoạn 1 với 500 căn thấp tầng) dự kiến mở bán quý I/2026 hoặc sớm hơn sẽ thúc đẩy bức tranh tăng trưởng cho các năm sau.
Các dự án của KDH có tính pháp lý vững chắc, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm tốt.
* PDR (Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt)
Cơ bản hoàn thành tái cấu trúc tài chính và bước vào chu kỳ đầu tư mới.
Khu dân cư Bắc Hà Thanh (Bình Định) bắt đầu đem về dòng tiền.
Kỳ vọng lợi nhuận từ dự án Cao ốc Thuận An 1 và 2 (Bình Dương).
>>TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đâu là kênh đầu tư tiềm năng cho năm 2025?