Vĩ mô

Năm 2025: Việt Nam hướng đến tăng trưởng 8% trở lên, các quốc gia khác trong khu vực đặt mục tiêu ra sao?

Phúc Lam 13/02/2025 10:30

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Theo tờ trình, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích.

Vì vậy, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

>>Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu GDP 2025 vượt 8%, thu nhập bình quân đạt 5.000 USD

Ngoài ra, các quốc gia trong khu vực cũng đặt mục tiêu tăng trưởng và đang từng bước nỗ lực để hiện thực hóa những mục tiêu này.

Theo The Straits Times, trước những thách thức từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng địa chính trị và biến động thị trường cho thấy nền kinh tế Singapore sẽ phải đối mặt với một năm 2025 đầy thách thức.

Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), dự báo tăng trưởng GDP của quốc gia này năm 2025 sẽ dao động từ 1 – 3%.

Tuy nhiên, The Straits Times đưa tin, hầu hết các nhà phân tích tin rằng việc leo thang thuế quan trả đũa toàn diện giữa ba nền kinh tế lớn của thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Singapore ít nhất 1 điểm phần trăm so với mức cao nhất của dự báo MTI.

Theo Reuters, Thái Lan đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3,5% trong năm nay. Thứ trưởng Tài chính Thái Lan, ông Julapun Amornvivat chia sẻ trong một diễn đàn kinh doanh: “Chúng tôi không hài lòng với mức tăng trưởng 3,0%, nếu chúng ta xây dựng hiệu quả và thu hẹp các khoảng cách, mục tiêu của chúng tôi là 3,5%”.

Năm 2025: Việt Nam hướng đến tăng trưởng 8% trở lên, các quốc gia khác trong khu vực đặt mục tiêu ra sao?
Ảnh minh họa - Nguồn: TheLEADER

Theo Reuters, nền kinh tế Indonesia đã tăng trưởng 5,03% trong năm 2024. Tốc độ tăng trưởng này là chậm nhất trong 3 năm qua. Ngân hàng Indonesia (BI) là ngân hàng Trung ương của Indonesia đã trích dẫn viễn cảnh thuế quan của Mỹ có thể làm gián đoạn thương mại và làm suy yếu nhu cầu toàn cầu khi điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2025 xuống mức 4,7% - 5,5% từ mức 4,8-5,6%.

"Khi doanh số bán ô tô yếu hơn dự kiến cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa lâu bền chậm lại, BI có thể sẽ xem xét cắt giảm lãi suất thêm để hỗ trợ nền kinh tế," nhà kinh tế học Ryota Abe của SMBC nhận định.

"Tôi dự đoán ngân hàng sẽ cắt giảm (lãi suất) thêm một lần nữa để hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2025 và tỷ lệ tăng trưởng GDP trong năm 2025 sẽ đạt 5,1%," Abe nói, đồng thời cho biết tăng trưởng có thể cao hơn nếu BI thực hiện các biện pháp nới lỏng mạnh mẽ hơn.

Cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng là chương trình phát bữa ăn miễn phí do Prabowo đề xuất. Chương trình này sẽ thúc đẩy hoạt động trong các ngành thực phẩm và giao thông, theo ông Myrdal Gunarto, nhà kinh tế học của Maybank Indonesia, người dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Indonesia sẽ đạt 5,15%.

Mới đây, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đã dẫn lời một quan chức cấp cao ở Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia cho biết, nền kinh tế Campuchia dự kiến sẽ tăng trưởng 6,3% vào năm 2025, điều này sẽ nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này lên 51,39 tỷ USD.

Còn trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Campuchia là 5,5% trong năm nay và năm sau, tăng so với mức dự báo 5,3% được đưa ra hồi năm ngoái.

Theo Reuters, Chính phủ Philippines đã mở rộng mục tiêu tăng trưởng cho giai đoạn 2025 – 2028 lên mức 6-8% thay vì 6,5-7% cho năm 2025 và từ 6,5-8% cho giai đoạn 2026-2028. Việc điều chỉnh này nhằm tính đến những bất ổn toàn cầu mà đất nước này cho là đang ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Theo BusinessWorld – một tờ báo kinh doanh tại Philippines, cũng là tờ báo kinh doanh hàng ngày đầu tiên của Đông Nam Á cho rằng, năm 2025 có thể chứng kiến mức tăng trưởng GDP của quốc gia này ít nhất là 6,5% nhờ sự kết hợp của các yếu tố toàn cầu và nội địa có thể thúc đẩy sản lượng của nền kinh tế quốc gia.

Giống như trong các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trước đây (Khủng hoảng tài chính Đông Á từ 1997 đến 2000, Đại suy thoái từ 2008 đến 2012, và đại dịch COVID-19 từ 2020 đến 2022), Philippines sẽ là một trong những quốc gia ít bị tác động tiêu cực nhất bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu mà sẽ được thúc đẩy bởi cuộc chiến thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu ngay từ những ngày đầu trong nhiệm kỳ của ông.

>>GDP từng xếp thứ 88/188, GDP bình quân xếp thứ 187/188: Sau 34 năm, Việt Nam tăng trưởng ra sao?

HSBC: Việt Nam là quốc gia đối diện với rủi ro thuế quan cao nhất ASEAN

Hòn đảo lớn nhất Việt Nam lọt top 5 điểm đến phát triển du lịch nhanh nhất Đông Nam Á

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nam-2025-viet-nam-huong-den-tang-truong-8-tro-len-cac-quoc-gia-khac-trong-khu-vuc-dat-muc-tieu-ra-sao-275999.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Năm 2025: Việt Nam hướng đến tăng trưởng 8% trở lên, các quốc gia khác trong khu vực đặt mục tiêu ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH