Nam Phương Energy nợ 1.650 tỷ đồng trái phiếu, xuất hiện bóng dáng Bitexco
Nam Phương Energy có rất nhiều giao dịch thế chấp tại Vietcombank, trong đó có cả việc lãnh đạo Bitexco mang cổ phần đi đảm bảo cho lô trái phiếu.
Nam Phương Energy nợ 1.650 tỷ đồng trái phiếu
CTCP Đầu tư năng lượng Nam Phương công bố tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Thông tin này khiến nhiều nhà đầu tư nhớ lại gần 2 năm trước, thời điểm Nam Phương Energy ồ ạt phát hành trái phiếu hút hàng nghìn tỷ đồng. Hiện tại Nam Phương đang lưu hành 3 lô trái phiếu tổng giá trị 1.650 tỷ đồng. Trong 3 lô trái phiếu này, có 2 lô phát hành trong năm 2021 và 1 lô phát hành trong năm 2022.
Thời gian đáo hạn của các lô trái phiếu này đều rất dài, lô trái phiếu gần nhất trị giá 450 tỷ đồng đáo hạn vào 23/8/2026. Các lô còn lại đáo hạn vào năm 2028 và 2029.
Mã trái phiếu | Ngày phát hành | Ngày đáo hạn | Giá trị trái phiếu |
NPECH2229001 | 18/3/2022 | 18/3/2029 | 300.000.000.000 |
NPECH2128002 | 26/11/2021 | 26/11/2028 | 900.000.000.000 |
NPECH2126001 | 23/8/2021 | 23/8/2026 | 450.000.000.000 |
Tổng | 1.650.000.000.000 |
Trong các lô trái phiếu của Nam Phương Egerny, có chỉ có lô 450 tỷ đồng NPECH2126001 là công bố rõ thông tin nhất – là lô trái phiếu đáo hạn vào tháng 8/2026.
Lô trái phiếu này phát hành nhằm huy động vốn để nhận chuyển nhượng cổ phần và mua cổ phần phát hành thêm của CTCP Khai thác chế biến khoáng sản Lào Cai để nâng cấp, đầu tư, mở rộng dự án khai thác quặng tại Lào Cai. Đồng thời cũng để nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty Liên doanh Vinapon.
Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này gồm:
- Toàn bộ động sản bao gồm nhưng không giới hạn quyền khai thác, quyền phải thu, hàng tồn kho… phát sinh từ hoặc liên quan dự án Mỏ sắt Ba Hòn – Làng Lếch (khi đủ điều kiện thế chấp).
- Toàn bộ cổ phần của cổ đông tại tổ chức phát hành.
- Toàn bộ cổ phần của các cổ đông tại CTCP Khai thác chế biến khoáng sản Lào Cai khi đủ điều kiện thế chấp, cùng cả cổ phần phát hành thêm sau khi tăng vốn điều lệ.
- Toàn bộ vốn góp của Nam Phương Energy tại Công ty Liên danh Vinapon – khi đủ điều kiện thế chấp.
- Các tài sản hình thành từ phần vốn điều lệ tăng thêm của Khoáng sản Lào Cai tại dự án Mỏ sắt Ba Hòn – Làng Lếch, giá trị thế chấp tối thiếu 30 tỷ đồng khi đủ điều kiện thế chấp.
- Phần vốn góp của ông Vũ Quang Bảo trị giá 200 tỷ đồng tại Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco.
- Và các tài sản đảm bảo khác có thể được bổ sung tại từng thời điểm.
Lô trái phiếu này do Chứng khoán Tân Việt TVSI tư vấn, đại lý phát hành và là bên đại diện người sở hữu và do Vietcombank quản lý tài sản đảm bảo.
Nói về Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco – công ty thành lập tháng 1/1993 do ông Vũ Quang Bảo là người đại diện theo pháp luật. Tháng 5/2013 công ty tăng vốn điều lệ từ 2.600 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Tháng 1/2017 tăng vốn điều lệ lên thành 4.800 tỷ đồng, do ôn Vũ Quang Bảo sở hữu 40% và ông Vũ Quang Hội sở hữu 60%. Tháng 5/2017 tăng vốn lên thành hơn 5.603 tỷ đồng và tháng 8/2017 tăng vốn lên thành 6.260 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu giữa ông Bảo và ông Hội vẫn giữ nguyên – đây là 2 anh em.
Bản thân ông Vũ Quang Bảo cũng sở hữu cổ phần Nam Phương Energy.
Nam Phương Energy thua lỗ triền miên
Nam Phương Energy thành lập tháng 8/2018, do ông Đàm Quang Huy làm Giám đốc. Tháng 6/2020 công ty thay đổi nhân sự, ông Nguyễn Quang Thịnh lên làm Chủ tịch HĐQT, ông Thịnh được xem là nhân vật chủ chốt trong hệ sinh thái Bitexco. Đồng thời Nam Phương Energy cũng tăng vốn điều lệ khủng từ 2 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng, tương ứng gấp 125 lần.
Tháng 1/2021 nam Phương Energy tiếp tục tăng vốn, từ 250 tỷ đồng lên 394 tỷ đồng. Tiếp đó tháng 11/2021 công ty lại tăng vốn lên thành 650 tỷ đồng.
Tăng vốn thần tốc trong năm 2021, cuối năm 2021 cũng là thời điểm Nam Phương phát hành liên tiếp 2 lô trái phiếu 450 tỷ đồng và 900 tỷ đồng, tổng cộng 1.350 tỷ đồng. Sau đó mấy tháng, tháng 3/2022 Nam Phương huy động tiếp 300 tỷ đồng trái phiếu, nâng tổng số trái phiếu huy động lên 1.650 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thời điểm đó Nam Phương có vốn điều lệ 650 tỷ đồng. Vì đâu một doanh nghiệp có vốn điều lệ 650 tỷ đồng vẫn được Chứng khoán Tân Việt thu xếp phát hành được 1.650 tỷ đồng trái phiếu?
Sang tháng 12/2022 Nam Phương tiếp tục tăng vốn điều lệ lên thành 800 tỷ đồng.
Chỉ tiêu | Năm 2021 | Năm 2022 |
Vốn chủ sở hữu | 699,2 tỷ đồng | 443 tỷ đồng |
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu | 2,37 (1.657 tỷ đồng) | 4,88 (2.162 tỷ đồng) |
Dư nợ trái phiếu | 1,36 (950 tỷ đồng) | 3,72 (1.650 tỷ đồng) |
Lợi nhuận sau thuế | 1,6 tỷ đồng | -378 tỷ đồng |
Tăng vốn thần tốc trong năm 2021, liên tục huy động trái phiếu trong năm 2021 - 2022, song tình hình kinh doanh của Nam Phương Energy cũng không khả quan, thậm chí có thể nói bết bát. Năm 2021 công ty lãi sau thuế vỏn vẹn chưa đến 2 tỷ đồng, còn năm 2022 vừa qua lỗ nặng 378 tỷ đồng. Còn 6 tháng đầu năm 2023 Nam Phương Energy cũng lỗ hơn 205 tỷ đồng.
Kinh doanh thua lỗ, vốn chủ sở hữu của Nam Phương còn 443 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Không những vậy công ty còn nợ nần chồng chất, tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2022 là 4,88 lần, tương ứng tổng nợ 2.162 tỷ đồng. Trong đó nợ trái phiếu gấp 3,72 lần vốn chủ sở hữu, lên 1.650 tỷ đồng.
Những giao dịch thế chấp đổ về Vietcombank
- Tháng 9/2021 Nam Phương Energy có giao dịch thế chấp tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Nội. Tài sản thế chấp là 16,66 triệu cổ phần của CTCP Khai thác chế biến khoáng sản Lào Cai, tương ứng 98% vốn điều lệ của Khoáng sản Lào Cai. Không chỉ vậy, sau đó Nam Phương Energy bổ sung cổ phần Khoáng sản Lào Cai vào danh sách tài sản thế chấp. Cụ thể, tháng 10/2021 bổ sung thêm 10,29 triệu cổ phần sau tăng vốn của Khoáng sản Lào Cai, tỷ lệ sở hữu vẫn giữ nguyên 98%. Tổng số cổ phần sau bổ sung là 26,95 triệu đơn vị.
- Tháng 11/2021 có giao dịch thế chấp tại Vietcombank, tài sản thế chấp là số cổ phần tại Công ty Liên doanh Vinapon, có giá trị theo mệnh giá hơn 72,42 tỷ đồng, tương ứng 63,9% vốn điều lệ của Vinapon.
- Tháng 11/2021 Nam Phương Energy đưa 735.000 cổ phần tại CTCP Khoáng sản Thiên Bảo, tương ứng 98% vốn điều lệ Thiên Bảo, thế chấp tại Vietcombank.
- Cũng trong tháng 11/2021 mang 4,08 triệu cổ phần, tương ứng 68% vốn điều lệ của CTCP khoáng sản Hưng Phát thế chấp tại Vietcombank. Những lần sau đó Nam Phương Energy nhiều lần mang thêm cổ phần Khoáng sản Hưng Phát thế chấp tại Vietcombank.
- Tháng 11/2021 Nam Phương Energy mang 47,6 triệu cổ phần tương ứng 68% vốn điều lệ của Gang thép BB CIM Holdings thế chấp tại Vietcombank. Những lần sau đó Nam Phương Energy nhiều lần mang thêm cổ phần Gang thép BB CIM Holdings thế tại Vietcombank.
- Tháng 11/2021 mang tiếp số cổ phần tại Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Ngọc Thanh, tương ứng 68% vốn điều lệ, đi thế chấp tại Vietcombank. Tháng 12/2021 tiếp tục bổ sung thêm phần vốn góp trị giá 5,04 tỷ đồng (30% vốn điều lệ Ngọc Thanh).
- Tháng 11/2021 số cổ phần tại Công ty TNHH Tân Tiến trị giá 134,8 tỷ đồng theo mệnh giá, tương ứng 68% vốn điều lệ, được thế chấp tại Vietcombank. Sau đó số cổ phần này được bổ sung thêm vào tháng 12/2021 phần giá trị vốn góp theo mệnh giá hơn 59,45 tỷ đồng (30% vốn điều lệ Tân Tiến).
- Tháng 11/2021 phần vốn góp có giá trị hơn 23,78 tỷ đồng theo mệnh giá, tương ứng 68% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Á Châu cũng được mang đi thế chấp tại Vietcombank. Tháng 12/2021 tiếp tục bổ sung thêm phần vốn góp trị giá gần 10,5 tỷ đồng (30% vốn điều lệ Á Châu).
Bản thân ông Nguyễn Quang Thịnh, Chủ tịch HĐQT Nam Phương Energy cũng thường xuyên có giao dịch thế chấp tại Vietcombank. Liên quan Nam Phương Energy, tháng 11/2021 ông Thịnh mang 13,27 triệu cổ phần, tương ứng 20,42% vốn điều lệ của Nam Phương Energy đi thế chấp. Mới đây tháng 12/2022 ông Thịnh mang thêm hơn 8,5 triệu cổ phần Nam Phương Energy thế chấp tại Vietcombank.
Không chỉ thế chấp cổ phần Nam Phương Energy, ông Thịnh còn mang cổ phần Gang thép BB CIM Holdings, Khoáng sản Hững Phát đi thế chấp tại Vietcombank.
Công ty CP Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai - doanh nghiệp mà Nam Phương Energy phát hành trái phiếu huy động tiền để mua cổ phần- tiền thân là Công ty TNHH Gia Long được thành lập từ năm 2002, sau đó được đổi tên thành Công ty CP Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai. Công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE năm 2011, tuy nhiên tháng 8/2022 công ty phải hủy niêm yết bắt buộc và chuyển sang giao dịch trên Upcom do kiểm toán từ chối cho ý kiến trên báo cáo tài chính. Ý kiến ngoại trừ của kiểm toán liên quan đến các khoản phải thu hàng chục tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của Khoáng sản Lào Cai cũng không ổn định, phần lớn thời gian kinh doanh thua lỗ, trong đó năm 2022 lỗ nặng 110 tỷ đồng. Các năm khác trong gần chục năm trở lại đây đều thua lỗ hoặc lãi mỏng tính bằng tỷ đồng.
Dự án Mỏ sắt Ba Hòn – Làng Lếch được cấp phép khai thác năm 2011, ban đầu có công suất 100.000 tấn/năm, sau đó được duyệt tăng công suất lên 1 triệu tấn/năm.
Liên doanh Vinapon lại là một cái tên rất được chú ý với sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn.
Vốn điều lệ 5 tỷ đồng, huy động 1.400 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 20%, Hồng Hoàng đang ra sao?