VEAM đều đặn nhận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ liên doanh liên kết.
Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM – mã chứng khoán VEA) công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về tạm thời ban hành kế hoạch sản xuất kinh doanh trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Nếu lấy 2021 làm cơ sở, VEAM "đoán" lợi nhuận các năm tới đều "kém cạnh"
Trong bản kế hoạch, lấy số liệu năm 2021 – năm tài chính đã kết thúc – làm mốc so sánh thì điều khá bất ngờ với các nhà đầu tư là VEAM “đoán” kết quả kinh doanh những năm tiếp theo sẽ không bằng năm 2021 – năm nhiều ngành nghề kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19.
Về doanh thu: năm 2021 tổng doanh thu đạt 9.965 tỷ đồng. Và VEAM đã đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 giảm 3,9% xuống còn 9.573 tỷ đồng. Doanh thu các năm tiếp theo 2022 đến 2025 ước tính sẽ tăng mạnh, từ hơn 9.900 tỷ đồng lên 11.074 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thay vì lấy kết quả kinh doanh năm 2021 làm con số tham chiếu vì năm 2021 đã kết thúc, thì VEAM lại lấy con số mục tiêu cho năm 2022 làm năm cơ sở để tính tốc độ tăng trưởng. Do vậy theo kế hoạch, doanh thu các năm 2023-2025 tăng mạnh so với 2022.
Về lợi nhuận sau thuế: báo cáo ghi nhận năm 2021 VEAM lãi sau thuế 6.413 tỷ đồng. Các năm từ 2022 đến 2025 VEAM đều “đoán” lợi nhuận đều giảm sút sâu so với năm 2021, lần lượt hơn 5.1—tỷ đồng đến gần 5.900 tỷ đồng. Ước tính trong 5 năm từ 2021-2025 VEAM lãi sau thuế gần 28.000 tỷ đồng.
Nếu tính theo mốc cơ sở là năm 2022 theo số liệu ước tính, thì chỉ tiêu lợi nhuận các năm 2023-2025 lại cao hơn các năm ngay trước.
Đối với nhân sự: VEAM báo cáo thu nhập bình quân lao động đạt 11 triệu đồng/người/tháng năm 2021 và tăng lên 11,5 triệu đồng/người/tháng năm 2022. Thu nhập của lao động công ty sẽ tăng đều, lên đến năm 2025 ước tính khoảng 13,4 triệu đồng/người/tháng.
Về số lao động: VEAM cho biết, thu nhập bình quân đầu người tăng, số lao động trong công ty cũng sẽ tăng dần trong các năm tiếp theo 2022-2025. Năm 2021 công ty có 4.380 lao động, và sẽ tăng dần lên khoảng 4.563 lao động vào năm 2025. Giải quyết được số lượng lớn lao động cho xã hội.
Sở hữu 13 công ty con và 7 liên kết: Ý định thanh lọc
Cơ cấu Tổng công ty cũng khá “đông” với 13 công ty con được hợp nhất trên báo cáo tài chính công ty.
Ngoài ra VEAM còn có hệ thống 7 công ty liên doanh liên kết quan trọng được phản ánh trong báo cáo tài chính hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu.
Dù "đông con" và cũng "lắm cháu", nhưng số "gà vàng" lại không nhiều, VEAM cho biết những năm tiếp theo đây sẽ từng bước tiến hành cơ cấu lại công ty mẹ, công ty con theo hướng tăng cường công tác quản trị, khai thác triệt để năng lực, thế mạnh của các đơn vị.
Đồng thời xem xét thoái vốn tại các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, hoặc có tỷ trọng vốn sở hữu nhỏ hoặc có ngành nghề kinh doanh không phù hợp với định hướng của công ty.
Điểm mặt những "con gà đẻ trứng vàng"
Trong số này, có đến 3 “con gà đẻ trứng vàng” mang lại nguồn lãi chính hàng năm cho Tổng công ty.
Điểm mặt những “con gà đẻ trứng vàng” gồm có tỷ lệ sở hữu/tỷ lệ biểu quyết 20% tại Toyota Việt Nam; 25% tỷ lệ biểu quyết/tỷ lệ sở hữu tại Ford Việt Nam và 30% tỷ lệ biểu quyết/tỷ lệ sở hữu tại Honda Việt Nam. Đây chính là những con gà đẻ trứng vàng chính hiệu.
-Thứ nhất Honda Việt Nam - giá trị đầu tư đã tăng gấp 4,5 lần: số liệu ghi nhận tổng giá trị đầu tư vào Honda Việt Nam ban đầu chưa đến 360 tỷ đồng. Và giá trị tạm tính theo phương pháp chủ sở hữu đến 30/6/2022 đạt hơn 1.600 tỷ đồng (con số này đã bị giảm mất gần 2.000 tỷ đồng so với con số ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2021).
Honda Việt Nam cũng chính là "con gà vàng" đầu đàn của VEAM.
-Thứ 2 Toyota Việt Nam – giá trị khoản đầu tư cũng đã tăng hơn gấp 4 lần từ mức đầu tư ban đầu gần 288 tỷ đồng – và giá trị tính theo phương pháp chủ sở hữu đến 30/6/2022 gần 1.260 tỷ đồng.
-Thứ 3 là Ford Việt Nam cũng có giá trị khoản đầu tư gần gấp đôi từ 375 tỷ đồng lên 714 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các “con gà” này ngoại trừ gia tăng mạnh về giá trị của khoản đầu tư ban đầu, thì còn mang về khoản cổ tức, lợi nhuận đều đặn hàng nghìn tỷ mỗi năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2022 VEAM nhận gần 2.900 tỷ đồng lợi nhuận từ liên doanh liên kết – tăng nhẹ so với cùng kỳ. Còn nguyên năm 2021 VEAM nhận gần 5.200 tỷ đồng từ liên doanh liên kết.
Tình hình tài chính "rất mạnh"
Kết quả kinh doanh thuận lợi với số lãi hàng nghìn tỷ mỗi năm nhận từ liên doanh liên kết. Bên cạnh đó tình hình tài chính của công ty cũng "rất mạnh".
BCTC 6 tháng đầu năm 2022 hợp nhất ghi nhận ngoài tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn ngắn tại ngân hàng, VEAM còn có hơn 14.200 tỷ đồng tiền gửi các kỳ hạn khác tại ngân hàng, tăng hơn 2.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Trong khi đó VEAM duy trì khoản dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 220 tỷ đồng – dẫn đến chi phí tài chính trong quý chỉ chưa đến 2 tỷ đồng.
Có khoản lớn tiền gửi ngân hàng, VEAM và những doanh nghiệp "giàu có về tiền" lại có thêm những lợi thế thời gian này khi lãi suất huy động của các ngân hàng đang rục rịch tăng lên. Với động thái này, các doanh nghiệp giàu tiền sẽ thường trực nụ cười trong khi các doanh nghiệp vay nợ lớn sẽ đang như ngồi trên đống lửa.
Cổ phiếu vẫn duy trì thị giá cao
"Được cả đôi ba đường" có thể là câu ví hay vào lúc này đối với VEAM. Trên thị trường cổ phiếu VEA phiên hôm nay 5/9/2022 đã tăng 500 đồng lên 45.100 đồng/cổ phiếu.
Với thị giá cao ngất ngưởng, vốn hoá của VEAM cũng đã tăng trở lại, lên xấp xỉ 60.000 tỷ đồng.
Có 2.900 tỷ đồng từ liên doanh liên kết, VEAM báo lãi 3.222 tỷ đồng trong 6 tháng 
Thêm 1 Tổng Giám đốc bị khởi tố, VEAM (VEA) đang kinh doanh ra sao? 
Đề nghị truy tố cựu Tổng Giám đốc công ty ô tô vốn hóa hơn 50.000 tỷ đồng