Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á ‘tung đòn’ đánh thuế 200% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc
Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây đã dẫn đến tình trạng hàng hóa do Trung Quốc sản xuất tràn vào các thị trường như Indonesia.
Indonesia đang có kế hoạch áp thuế lên tới 200% đối với một số sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước khỏi các hoạt động bán phá giá do cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia phương Tây với Bắc Kinh gây ra.
Mới đây, Tổng thống Joko Widodo đã triệu tập các Bộ trưởng kinh tế tại Dinh Tổng thống để thảo luận về thuế quan, có khả năng sẽ được công bố "trong hai tuần tới", theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho hay.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Zulkifli Hasan lần đầu tiên tiết lộ kế hoạch thuế quan vào tuần trước.
Ông Zulkifli cho biết: “Mỹ có thể áp thuế 200% đối với đồ gốm sứ hoặc quần áo nhập khẩu, chúng tôi cũng có thể làm như vậy để đảm bảo các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) cùng các ngành công nghiệp của chúng tôi sẽ tồn tại và phát triển”.
Theo ông, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây đã dẫn đến tình trạng hàng hóa do Trung Quốc sản xuất tràn vào các thị trường như Indonesia  khi các nhà sản xuất chuyển hướng xuất khẩu sang những nơi khác.
Bộ Tài chính Indonesia tuần trước cũng cho biết họ đang chuẩn bị một quy định để áp dụng các loại thuế được gọi là thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá đối với hàng dệt may, giày dép, đồ điện tử, gốm sứ và mỹ phẩm của Trung Quốc.
Ngành công nghiệp dệt may sử dụng nhiều lao động là một trong những ngành bị ảnh hưởng bởi làn sóng hàng hóa Trung Quốc tràn vào. Ngành này sử dụng khoảng 3,9 triệu lao động tại Indonesia, chiếm gần 20% tổng lực lượng lao động sản xuất.
Theo Liên đoàn Công đoàn Nusantara (KSPN), kể từ năm 2019, 36 nhà máy dệt may tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã đóng cửa, trong khi 31 nhà máy khác đã phải sa thải hàng loạt. KSPN cho biết gần 50.000 công nhân trong ngành đã bị sa thải kể từ đầu năm nay.
Những khó khăn về tài chính cũng đã gây ảnh hưởng đến Sritex, một trong những nhà sản xuất hàng dệt may lớn nhất Indonesia. Công ty đã ghi nhận doanh thu 325 triệu USD vào năm ngoái, giảm 38% so với doanh thu 524,6 triệu USD vào năm 2022.
Công ty cho biết từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, Sritex cũng đã sa thải 3.000 công nhân, tương đương 23% tổng số nhân viên của công ty.
Giám đốc tài chính của Sritex, ông Welly Salam, cho biết trong một tài liệu nộp lên sàn giao dịch chứng khoán Indonesia vào ngày 22/6: "Hiện tại đang có tình trạng cung vượt cầu đối với hàng dệt may tại Trung Quốc, dẫn đến bán phá giá. Các sản phẩm này chủ yếu được nhắm mục tiêu đến các quốc gia ngoài châu Âu và Trung Quốc , những quốc gia có quy định nhập khẩu lỏng lẻo và Indonesia là một trong số đó”.
Ngoài ra, ông Welly Salam cũng nói thêm rằng tình hình địa chính trị, chẳng hạn như chiến tranh ở Ukraine và Gaza, đã gây ra "sự gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến xuất khẩu giảm do sự thay đổi trong ưu tiên của người dân ở châu Âu và Mỹ".
Mặc dù công ty đã phủ nhận báo cáo gần đây của giới truyền thông rằng họ đã phá sản, nhưng Sritex thừa nhận hiện đang điều hành hoạt động kinh doanh bằng "tiền mặt nội bộ và sự hỗ trợ của các nhà tài trợ".
Yếu tố Trung Quốc
Theo Bert Hofman, Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, thậm chí trước khi Mỹ và EU áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia khác tham gia chương trình cơ sở hạ tầng Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh và đã trở thành thị trường ngày càng quan trọng đối với Trung Quốc.
“Ngay cả khi không có thuế quan của Mỹ và EU, các công ty Trung Quốc vẫn ngày càng chuyển hướng xuất khẩu sang các nước đang phát triển. Nhóm G7 cộng với EU hiện chiếm chưa đến 40% xuất khẩu của Trung Quốc, trong khi các nước trong sáng kiến Vành đai và Con đường chiếm hơn một nửa. Trung Quốc cần điều chỉnh chính sách nội địa của mình để đạt được sự cân bằng hơn”, ông cho hay.
Theo ước tính của Hofman, năm ngoái Trung Quốc cũng đạt thặng dư thương mại với khoảng 173 nền kinh tế và thâm hụt với chỉ 53 nền kinh tế - chủ yếu là các nước xuất khẩu hàng hóa.
Theo dữ liệu từ cơ quan thống kê, Indonesia đạt thặng dư thương mại 2,057 tỷ USD với Trung Quốc vào năm 2023, sau khi thâm hụt lần lượt 1,8 tỷ USD và 2,4 tỷ USD vào năm 2022 và 2021.
Các biện pháp mới được lên kế hoạch áp dụng đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất nhằm bổ sung cho các rào cản nhập khẩu hiện có, chẳng hạn như quy định năm 2023 về kiểm soát nhập khẩu thông qua kiểm tra sau cửa khẩu.
Jemmy Kartiwa Sastraatmaja, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Indonesia, cho biết các quy định nhập khẩu lỏng lẻo đã chứng minh là điều “tiêu cực” đối với ngành dệt may.
Hiệp hội đã "trao đổi sâu rộng" với Chính phủ trong hai ngày qua, nhưng thừa nhận rằng mức thuế mới "sẽ không được ban hành ngay lập tức" và vẫn cần có ý kiến đóng góp từ các bên liên quan.
Theo SCMP
Núi lửa phun trào dữ dội ở Indonesia, hàng nghìn người phải sơ tán, nguy cơ xảy ra sóng thần 
Vừa rời Việt Nam, CEO Apple Tim Cook tuyên bố dự định mở nhà máy ở Indonesia