Trung Quốc sản xuất hàng loạt thủy phi cơ lớn nhất thế giới
Thủy phi cơ AG600 có thể tiếp cận bất kỳ vị trí nào trên Biển Đông chỉ trong 4 giờ, sau khi cất cánh từ đảo Hải Nam để vận chuyển hàng hóa và kiểm soát các đảo của Trung Quốc.
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin, máy bay AG600 cỡ lớn mới của Trung Quốc - loại thủy phi cơ lớn nhất thế giới - đã đi đến công đoạn sản xuất hàng loạt và lắp ráp cuối cùng.
AG600 bay thử nghiệm từ đảo Hải Nam  ngày 30/6 - Nguồn: SCMP |
Chiếc máy bay, AG600, còn được gọi là được gọi là, được thiết kế cho các hoạt động tuần tra hàng hải và tìm kiếm cứu nạn. Từ tỉnh đảo Hải Nam ở phía Nam, nó có thể đến bất kỳ địa điểm nào ở Biển Đông trong vòng bốn giờ và có thể được sử dụng để vận chuyển hàng hóa hoặc hành khách giữa các đảo do Trung Quốc kiểm soát, theo phương tiện truyền thông nhà nước.
AG600, thủy phi cơ lớn nhất thế giới do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) phát triển, bắt đầu bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt, một cột mốc quan trọng về năng lực hàng không và hàng hải  của nước này, Interesting Engineering hôm 4/7 đưa tin.
Cụm lắp ráp phía trước của máy bay AG600 sản xuất đợt đầu tiên đã được giao vào ngày 30/6 |
Cụ thể, cụm lắp ráp phía trước của lô AG600 đầu tiên đã được bàn giao vào ngày 30/6, đánh dấu sự khởi đầu của quá trình sản xuất hàng loạt. Công đoạn lắp ráp này hoàn thành trong ba tháng và là một bước quan trọng hướng tới sản xuất máy bay ở quy mô đầy đủ. Quá trình lắp ráp cuối cùng của AG600 sẽ diễn ra tại Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, dưới sự giám sát của General Huanan Aircraft Industry, công ty con của AVIC. AG600 dự kiến được cấp chứng nhận vào cuối năm, sau đó sẽ bàn giao cho khách hàng.
Trung Quốc khởi động dự án AG600 vào năm 2014. Chuyến bay đầu tiên trên đất liền diễn ra vào năm 2017 và chuyến bay trên biển diễn ra năm 2020. Năm nay, 4 máy bay AG600 thử nghiệm đang trải qua các cuộc kiểm tra khả năng bay nhằm kiểm chứng hiệu suất.
Trong các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, thủy phi cơ Kunlong có thể chở đến 50 người, trữ được 12 tấn nước cho các tình huống cứu hỏa chỉ trong 20 giây.
AG600 là một phần trong mục tiêu của Trung Quốc nhằm tăng cường năng lực hàng không với các máy bay sản xuất trong nước, bao gồm máy bay vận tải Y-20 và máy bay chở khách C919. Chủ tịch AVIC Qu Jingwen cho biết, AG600 có thể cất hạ cánh trên biển với sóng cao tới 2 m và bay lơ lửng tại chỗ trong hai giờ.
Mẫu thủy phi cơ này được phát triển nhằm tăng cường khả năng cứu hộ khẩn cấp của Trung Quốc, bao gồm chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Ngoài ra, nó có thể được lắp đặt thêm thiết bị để đáp ứng nhu cầu đa dạng trong các lĩnh vực như giám sát môi trường biển, thăm dò tài nguyên, vận chuyển hành khách, hàng hóa, và nhiều lĩnh vực khác.
Quá trình phát triển AG600 cũng gặp phải một số thách thức. Những trở ngại về công nghệ và đại dịch Covid-19 đã gây chậm trễ, đẩy lùi ngày giao hàng dự kiến vào năm 2022. Động cơ cũng là một vấn đề lớn. AG600 sử dụng động cơ turbine cánh quạt WJ-6 dựa trên động cơ AI-20 của Liên Xô từ những năm 1950. Việc khắc phục các vấn đề với động cơ này là một bước quan trọng của dự án.
AG600 cất hạ cánh trong một chuyến kết hợp tập trận cứu hộ với lực lượng Tuần tra biển Trung Quốc |
AG600 là một trong 3 dự án sản xuất máy bay lớn được chính phủ Trung Quốc đầu tư hiện nay, cùng với máy bay vận tải quân sự Xian Y-20, máy bay phản lực khu vực ARJ21 và máy bay chở khách Comac 919. Mặc dù, được phát triển để đáp ứng các nhiệm vụ cứu hộ, vận tải, giám sát và phát hiện tài nguyên biển, các chuyên gia cũng cho rằng kích thước vượt trội của thủy phi cơ AG600 cũng trợ giúp cho tham vọng kiểm soát các vùng đã chiếm được của Trung Quốc trên biển Đông.
Bất chấp những thách thức về kỹ thuật, hiện đã có 17 chiếc AG600 được đặt hàng, trong đó chủ yếu là đơn đặt hàng từ Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc và Cảnh sát Biển Trung Quốc.
Sự phát triển của AG600 là một phần trong những nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ hàng không  nước ngoài và xây dựng ngành công nghiệp hàng không vũ trụ trong nước. Trong khi các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể mất nhiều năm để thực sự thách thức các ông lớn trong ngành như Airbus và Boeing, AG600 đại diện cho một cột mốc quan trọng trong tham vọng hàng không của đất nước tỷ dân này.
Theo South China Morning Post
>> Trung Quốc triển khai tuyến đường sắt cao tốc mới quanh đồng bằng sông Dương Tử