Theo Bộ TT&TT, khi mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, các nền tảng xuyên biên giới sẽ có nhiều thuận lợi trong việc phát triển mô hình kinh doanh của mình.
Tại họp báo tháng 10 của Bộ TT&TT , có ý kiến nêu quan ngại rằng hoạt động kiểm tra vừa được thực hiện đối với TikTok có thể gây ảnh hưởng đến quyết định đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam của các công ty nước ngoài, nhất là các nền tảng xuyên biên giới.
Trước câu hỏi của phóng viên, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho hay, các nền tảng xuyên biên giới đều có những mô hình kinh doanh riêng.
Theo ông Do, các nền tảng số xuyên biên giới khi kinh doanh sẽ gặp một số thuận lợi hơn nhưng cũng có một số khó khăn. Nếu mở văn phòng đại diện hoặc công ty tại Việt Nam cũng tương tự như vậy.
“Khi họ tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, có nhiều quy định hơn, chịu sự giám sát chặt chẽ hơn nhưng đồng thời họ cũng sẽ có những thuận lợi khác trong việc phát triển mô hình kinh doanh của mình”, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết.
Chia sẻ thêm, ông Do cho hay: “Tôi nghĩ rằng quy định pháp luật của Việt Nam đã có đầy đủ, nhất là với những đối tượng được yêu cầu bắt buộc phải mở văn phòng đại diện. Các nền tảng xuyên biên giới nghiên cứu, cân nhắc, lựa chọn theo mô hình kinh doanh của mình”.
Đối với câu hỏi về việc "Bộ TT&TT có ký kết với các bộ, ngành khác trong việc quản lý các nền tảng xuyên biên giới như TikTok không?”, Cục trưởng Lê Quang Tự Do khẳng định điều này là hiển nhiên.
Theo đó, Bộ TT&TT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ Công an, Bộ Tài chính về nhiều mặt, trong đó có quản lý nền tảng xuyên biên giới và các nội dung trên không gian mạng.
“Trong những năm gần đây, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để tăng cường việc quản lý. Nhờ vậy, hoạt động của cơ quan chức năng đã có nhiều bước tiến, kết quả mới”, ông Do nói.
Trên thực tế, cuộc kiểm tra toàn diện vừa được thực hiện đối với TikTok là lần đầu tiên có 6 bộ, ngành cùng tham gia, bao gồm Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Ngay trong kết luận kiểm tra TikTok, các bộ, ngành cũng đều có tham gia, đóng góp trực tiếp vào việc soạn thảo các nội dung liên quan đến lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ của mình.
Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do khẳng định, trong thời gian tới, sự phối hợp giữa Bộ TT&TT và các bộ, ngành có liên quan sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, nhuần nhuyễn hơn, nhất là trong việc quản lý thông tin trên mạng nói chung và các nền tảng xuyên biên giới nói riêng.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, cũng đã có không ít các nền tảng xuyên biên giới đặt văn phòng hoặc có dự định đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Hiện mạng xã hội TikTok có 2 đơn vị pháp nhân của TikTok tại Việt Nam gồm Văn phòng đại diện TikTok Pte. Ltd tại Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam.
Tại buổi làm việc với Bộ TT&TT hồi cuối tháng 3 năm nay, bà Josephine Choy, Phó Chủ tịch về Chính sách công khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Netflix cũng cho biết, doanh nghiệp này đang triển khai các thủ tục cần thiết với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thành lập pháp nhân đại diện tại Việt Nam.
Việc làm thủ tục thành lập pháp nhân tại Việt Nam là động thái của Netflix nhằm thực hiện Nghị định số 71/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình mới đi vào hiệu lực.
Theo Nghị định, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam với loại hình dịch vụ OTT mà không có kênh, chỉ có nội dung theo yêu cầu phải được cấp giấy phép như doanh nghiệp trong nước. Do đó, các nền tảng xuyên biên giới như Netflix sẽ phải làm thủ tục để hình thành pháp nhân tại Việt Nam.