Nếu cấm tài sản ảo, chúng ta sẽ bỏ lỡ một thế hệ nhà đầu tư mới rất quan tâm tới Việt Nam

26-04-2024 09:38|Khúc Văn

Việt Nam chỉ còn một năm để chuẩn bị cho sự ra đời của Khung pháp lý quản lý VA-VASP.

Ngày 24/4, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP.

Theo khảo sát của Hiệp hội Blockchain Việt Nam tại 60 quốc gia theo 4 tiêu chuẩn: Thuế, Chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố (AML/CFT), Bảo vệ người dùng, Tiêu chuẩn VASP của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), tính tới tháng 12/2023, có 32/60 quốc gia đã chính thức hợp pháp tài sản mã hóa.

Đặc biệt, 10 quốc gia trong nhóm G20 (chiếm 50% GDP toàn cầu) đều đã chính thức ban hành quy định quản lý tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP).

Nếu cấm tài sản ảo, chúng ta sẽ bỏ lỡ một thế hệ nhà đầu tư mới rất quan tâm tới Việt Nam
Xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo.

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, khung pháp lý quản lý VA-VASP đã được ban hành ở đầy đủ cả 4 tiêu chuẩn kể trên. Tại Trung Quốc, thị trường tài sản mã hoá bị cấm toàn diện nhưng một nền kinh tế có sự liên quan chặt chẽ là Hồng Kông lại đang là khu vực đi đầu trong ngành bằng một khung pháp lý hoàn chỉnh và những chính sách kiểm soát chặt chẽ các VA-VASP theo quan điểm ưu tiên bảo vệ quyền lợi người dùng. Ngoài ra, Trung Quốc có mạng blockchain quốc gia BSN với tham vọng cạnh tranh toàn cầu với các mạng chuỗi khối công khai.

>>Nên cấm hay quản lý tài sản ảo, Bitcoin, sàn giao dịch tiền mã hóa?

Tại Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại đã có 18 văn bản liên quan đến VA-VASP được ban hành, đáng lưu ý nhất là Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám (grey list) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính toàn cầu (FATF).

Trong đó, các vấn đề trọng tâm liên quan đến quản lý VA-VASP được quy định tại hành động 6 (yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý để cấm hoặc quản lý VA-VASP trước thời điểm tháng 5/2025) và hành động 7 - hành động 8, yêu cầu phổ biến chính sách ở khu vực tư nhân.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho biết, việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho VA-VASP phù hợp tại thời điểm này là một bài toán khó vì các chính sách này sẽ cần sự phối hợp của nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Hiện tại, kế hoạch hành động quốc gia ban hành theo QĐ 194/QĐ-TTg đang tập trung vào 2 ưu tiên là Chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố (AML/CFT) và Tiêu chuẩn VASP. Trong khi đó, 2 tiêu chuẩn còn lại để tạo thành một hành lang pháp lý hoàn chỉnh là thuế tài sản mã hoá và bảo vệ người dùng hiện chưa được quan tâm thích đáng.

Luật sư Trần Quốc Bảo (hãng luật Pantheon) cho biết: “Chúng ta chỉ còn một năm để chuẩn bị cho sự ra đời của Khung pháp lý quản lý VA-VASP. Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc chính phủ sẽ có những quy định phù hợp thông lệ quốc tế là quản lý VA-VASP chặt chẽ nhằm tối ưu nguồn thu thuế, bảo vệ người dùng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Nếu cấm VA-VASP, chúng ta sẽ hoàn toàn bỏ lỡ một thế hệ nhà đầu tư mới đang rất quan tâm tới Việt Nam nơi có 20% dân số sở hữu tài sản mã hoá”.

Theo ông Đỗ Việt Cường, Chánh thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên Huế, việc nằm trong danh sách xám sẽ ảnh hưởng rất nhiều các vấn đề tài chính tiền tệ, gây khó khăn trong thu hút đầu tư nước ngoài và hợp tác kinh tế quốc tế. Chi phí giao dịch cũng sẽ tăng cao do các tổ chức tài chính quốc tế tăng cường giám sát và kiểm tra các giao dịch của Việt Nam.

“Việc tiếp cận nguồn vốn cũng sẽ khó khăn hơn do các tổ chức tài chính quốc tế hạn chế cho vay hoặc đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể hơn, theo IMF, mỗi quốc gia nằm trong danh sách xám có nguy cơ thiệt hại khoảng 7,6% GDP”, ông Cường nói.

Trên quan điểm là một đơn vị khởi nghiệp VASP, ông Lê Hoài Nam, nhà sáng lập Hold Station chia sẻ, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch chuẩn bị thực thi các quy định pháp lý chặt chẽ nhất có thể sẽ được ban hành vào giữa năm sau nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật và hoạt động công khai, minh bạch tại thị trường Việt Nam.

“Chúng tôi cho rằng, việc tuân thủ các nguyên tắc đóng thuế, mà cụ thể là thuế thu nhập cá nhân có thể là bước đầu tiên mà các VASP cần tuân thủ nghiêm túc”, ông Nam nhấn mạnh.

>>Thành lập Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII

TS. Cấn Văn Lực: Thay vì áp dụng lệnh cấm, cần tìm giải pháp quản lý và điều tiết thị trường tiền mã hoá

‘Việt Nam cần sớm có khung pháp lý phát triển tài sản số’

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/neu-cam-tai-san-ao-chung-ta-se-bo-lo-mot-the-he-nha-dau-tu-moi-rat-quan-tam-toi-viet-nam-232260.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nếu cấm tài sản ảo, chúng ta sẽ bỏ lỡ một thế hệ nhà đầu tư mới rất quan tâm tới Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH