GS Lê Anh Vinh cho rằng, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày một thách thức giáo dục truyền thống. Vai trò người thầy cần thể hiện rõ nét hơn bởi nếu các em đặt câu hỏi mà chúng ta không trả lời, các em sẽ tìm đến AI.
Vừa qua, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) cùng Tổ chức The Vietnam Foundation, Khan Academy và Hội giảng dạy Toán học phổ thông Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế  với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và tương lai của giáo dục”.
Nói về việc áp dụng AI trong quá trình giảng dạy và học Toán, GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, dẫn câu chuyện năm 2016, khi robot được lập trình để tham gia vào bài kiểm tra đầu vào của một trong những trường đại học danh tiếng nhất Nhật Bản - Trường ĐH Tokyo.
“Kỳ thi có một số câu hỏi ở dạng lựa chọn trắc nghiệm; một số bài thuộc phần nhỏ để phân loại, tức là những bài chỉ những học sinh giỏi mới có thể làm được”, GS Vinh nói.
“Năm 2016, chú robot đó đã suýt có thể đủ điểm đỗ vào trường đại học. Nó chưa trả lời tốt lắm. Với các câu hỏi lựa chọn, trắc nghiệm không vấn đề nhưng robot gặp khó ở các câu hỏi về việc xác định từ khóa, đi tìm những thông tin liên quan từ khóa đó để đưa ra câu trả lời...
>> Viettel 'bắt tay' Intel triển khai dịch vụ thương mại AI và 5G 
Năm 2016, có thể chú robot không có khả năng để đưa ra được một bài luận và trúng tuyển vào Trường ĐH Tokyo nhưng giờ đây năm 2024, câu trả lời sẽ có, bởi AI đã xuất hiện”.
Ông Vinh dẫn chứng ChatGPT cũng có thể giải quyết các bài toán, thậm chí các bài toán thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh đại học của Việt Nam.
“Có thể thấy nó làm khá tốt. Trường đại học top đầu thì khó song nó có thể giúp học sinh vào được một số trường đại học top trung bình của Việt Nam. Chat GPT bây giờ còn có thể giải quyết được cả các bài toán hình học bằng tiếng Anh”.
Các giáo viên cũng có thể sử dụng ChatGPT để tạo và chuẩn bị bài giảng. Thậm chí chỉ cần từ 5-10 phút, bạn đã có một phần chuẩn bị cho bài giảng rất chi tiết. Trong thế giới AI dần được áp dụng ở khắp mọi nơi, GS Lê Anh Vinh cho rằng câu hỏi cần đặt ra là: “Chúng ta nên dạy học sinh cái gì và nên dạy như thế nào?”.
“Liệu rằng có nên dạy học sinh những phần trước nay chúng ta vẫn đang dạy? Đó là những kiến thức căn bản hay những kiến thức cần tích hợp mà giờ đây AI đã có thể làm được”.
Theo ông Vinh, mục tiêu của việc dạy Toán là giúp học sinh tìm được tình yêu, thích thú với môn học này. “Chúng ta cần giúp học sinh hiểu tầm quan trọng của việc học. Bởi nếu các em đặt câu hỏi chúng ta không trả lời được, các em sẽ tìm câu trả lời ở AI. Song, tôi hy vọng rằng câu trả lời của các thầy cô, là những người thật, phải hay hơn AI.
Chúng ta phải giúp các em phát triển khả năng tư duy, suy luận logic, giải quyết vấn đề. Trong lớp học, chúng ta cần quan tâm việc tại sao học sinh lại yếu môn Toán hay không thích môn Toán, không hiểu được tầm quan trọng của môn học. Tôi nghĩ công nghệ  có thể tham gia vào lĩnh vực này, có thể giúp học sinh giải được các bài toán từ đó yêu môn Toán hơn, hiểu tầm quan trọng của học Toán và phát triển các kỹ năng, tư duy.
Nếu chúng ta quan tâm nhiều hơn đến con người, đến việc những học sinh sẽ trở thành người như thế nào, thay vì quan tâm tới điểm số của các bài kiểm tra. Nếu làm được vậy tất cả học sinh đều có thể tiến bộ”, ông Vinh nói.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ: “Chúng ta đang chứng kiến những đột phá đáng kinh ngạc của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thời gian gần đây. Là những người làm giáo dục, chúng ta đều thấy cần phải nghĩ, phải hiểu và phải làm những gì cần thiết khi AI đang lan tỏa rất nhanh trong giáo dục...
Hơn 1 năm qua, AI đã phát triển được những sản phẩm gây chấn động, có khả năng tạo ra những nội dung mới dưới dạng văn bản, hình ảnh, âm thanh... do học từ dữ liệu ”.
Ông Phúc cho hay, AI đang dần len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống và giáo dục cũng không là ngoại lệ. AI mang đến cho chúng ta những cơ hội to lớn về đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo và tạo ra môi trường học tập hiệu quả hơn cho tất cả mọi người. Ví dụ như cá nhân hóa việc học tập, AI có thể điều chỉnh chương trình học, bài tập theo nhu cầu và khả năng của từng người học từ đó phát huy tốt nhất năng lực của từng người học.
Tuy nhiên, ông Phúc nhấn mạnh, AI cũng mang lại cho giáo dục những rủi ro và thách thức. Ví dụ rủi ro bảo mật và mất quyền riêng tư, do lưu trữ thông tin cá nhân của sinh viên và giáo viên trên các nền tảng trực tuyến. Đó là rủi ro khi AI có thể không công bằng trong đánh giá một nhóm người học nhất định; Rủi ro người học ít kinh nghiệm và kiến thức để phân biệt được những nội dung không chính xác do AI tạo ra...
“Điều quan trọng chúng ta cần nghĩ đến là việc giáo dục nhằm phát triển các năng lực trí tuệ của con người từ nay trở đi sẽ luôn cần và thậm chí phải gắn bó, kết hợp với những năng lực AI. Đây là điều cốt lõi về vai trò của AI trong giáo dục tương lai”.
Theo ông Phúc cần phải tạo ra một môi trường giáo dục mở, linh hoạt, công bằng - nơi mọi cá nhân bất kể địa vị xã hội hay khả năng tài chính  đều có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ những tiến bộ của AI từ đó giúp hiện thực hóa tiềm năng của AI trong giáo dục.
>> Người trẻ có xu hướng sử dụng thiết bị điện máy ứng dụng AI