Nếu sáp nhập, một địa phương của Việt Nam sẽ là 'cực công nghiệp' mới với sân bay quốc tế, cảng cạn và hệ sinh thái sản xuất hoàn chỉnh
Nếu đề xuất sáp nhập được thông qua, Việt Nam sẽ chứng kiến sự ra đời của một "siêu tỉnh công nghiệp" mới, là nơi hội tụ sân bay quốc tế, hệ thống logistics đa dạng, hơn 30 khu công nghiệp và hàng loạt tập đoàn FDI tên tuổi.
Nếu như được sáp nhập, một địa phương của Việt Nam sẽ là 'cực công nghiệp' mới với sân bay quốc tế, cảng cạn và hệ sinh thái sản xuất hoàn chỉnh, một "siêu tỉnh công nghiệp" mới – nơi hội tụ sân bay quốc tế, hệ thống logistics đa dạng, hơn 30 khu công nghiệp và hàng loạt tập đoàn FDI tên tuổi.
Khi hai "trụ cột công nghiệp" về "chung một nhà"
Theo định hướng của Trung ương và Nghị quyết 37-NQ/TW về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bắc Giang và Bắc Ninh là hai địa phương được chọn để nghiên cứu phương án sáp nhập .
Mục tiêu là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành và thúc đẩy động lực phát triển vùng.
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang được giao chủ trì xây dựng đề án hợp nhất. Việc lấy ý kiến cử tri dự kiến hoàn tất trong tháng 4/2025 và trình Trung ương trước 1/5. Nếu được thông qua, "siêu tỉnh" mới sẽ có diện tích hơn 3.300km2, dân số vượt mốc 3 triệu người - một trong những đơn vị hành chính lớn nhất miền Bắc cả về quy mô lẫn tiềm lực công nghiệp.
>> Bắc Giang sẵn sàng 'hành trang' cho việc sáp nhập với tỉnh nhỏ nhất Việt Nam

Bắc Ninh đang là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước vào khoảng 822km2 và dân số 1,5 triệu người (năm 2022).
Tỉnh này được xem là "cửa ngõ" của Thủ đô Hà Nội, nằm trong trục tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Địa phương hiện có 8 đơn vị hành chính cấp huyện. GRDP năm 2024 của tỉnh ước đạt 233.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Bắc Giang có diện tích lớn hơn đáng kể, khoảng 3.825km2 với mức dân số 2 triệu người. "Thủ phủ" của tỉnh Bắc Giang nằm cách Hà Nội 50km và có vị trí kết nối giao thông quan trọng như cửa khẩu Hữu Nghị (110km), cảng biển Cái Lân (130km); hiện nay địa phương có 10 đơn vị hành chính cấp huyện và GRDP năm 2024 ước đạt 207.000 tỷ đồng.
Sở hữu cảng hàng không, hệ thống ICD và "vành đai công nghiệp phía Bắc"
Một trong những điểm nhấn chiến lược của địa phương này sau khi tiến hành sáp nhập là Cảng hàng không quốc tế Gia Bình - sân bay đang được quy hoạch và chuẩn bị triển khai tại phía Đông tỉnh Bắc Ninh.

Đây sẽ là sân bay quốc tế quy mô lớn, phục vụ nhu cầu logistics và vận tải hàng hóa công nghệ cao, đặc biệt cho các tập đoàn FDI đặt nhà máy tại Bắc Ninh và vùng phụ cận.

Ngoài sân bay, vùng này còn quy hoạch 4 cảng cạn (ICD) tại Bắc Ninh cùng nhiều trung tâm logistics lớn tại Bắc Giang. Đây là nền tảng tạo nên chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, đồng bộ từ hàng không - đường bộ - đường sắt đến xuất nhập khẩu đường bộ qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Hệ sinh thái sản xuất hàng đầu cả nước
Sáp nhập Bắc Ninh - Bắc Giang sẽ hợp nhất hai hệ thống khu công nghiệp có sức hấp dẫn hàng đầu Việt Nam với việc gộp hơn 30 KCN vào cùng một vùng:
Bắc Ninh hiện có hơn 15 khu công nghiệp đang hoạt động với sự góp mặt của các "ông lớn" như Samsung, Canon, Foxconn, Goertek... Tỷ lệ lấp đầy đạt mức 95–100%, hạ tầng hoàn chỉnh và đang mở rộng thêm diện tích tại Yên Phong, Thuận Thành, Quế Võ.
Trong khi đó, Bắc Giang là "ngôi sao mới nổi" khi trong 5 năm qua đã thu hút hàng loạt nhà đầu tư lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Tỉnh này có 8 khu công nghiệp đang vận hành, và quy hoạch tổng cộng 29 khu công nghiệp với diện tích hơn 7.000 ha.
Việc gộp hai hệ sinh thái này giúp hình thành một vùng công nghiệp có chiều sâu, hội tụ công nghệ cao, chuỗi giá trị toàn diện và khả năng cung ứng nguyên phụ liệu, nhân lực ngay trong nội bộ, điều mà không nhiều địa phương tại Việt Nam có được.
"Cực tăng trưởng" mới của miền Bắc
Sự hợp nhất của hai tỉnh không chỉ mang tính địa giới, mà còn tạo ra một động lực kinh tế mới cho vùng Thủ đô. Cùng nằm trong tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, lại giáp cửa khẩu quốc tế, "siêu tỉnh" mới có thể đóng vai trò như một vành đai sản xuất – logistics hiện đại, hỗ trợ giảm tải áp lực cho nội đô Hà Nội và thúc đẩy liên kết vùng.

Ngoài ra, Bắc Ninh – Bắc Giang đều có chính sách thu hút đầu tư minh bạch, tốc độ cải cách thủ tục hành chính cao và hệ thống hạ tầng được đầu tư bài bản. Điều này sẽ giúp vùng sau sáp nhập có lợi thế cạnh tranh vượt trội với các "cực công nghiệp" như Bình Dương, Đồng Nai hay Long An.
Sự hội tụ của đô thị hóa - nhân lực - công nghệ
Về mặt nhân lực, Bắc Giang cung cấp lượng lao động dồi dào, trẻ và có tính kỷ luật cao. Bắc Ninh lại nổi trội với lực lượng kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật trình độ cao và tỷ lệ lao động tay nghề chất lượng lớn nhất miền Bắc. Cộng hưởng hai yếu tố này tạo nên một thị trường lao động linh hoạt, phù hợp với yêu cầu sản xuất công nghệ cao.
Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa chóng mặt tại Bắc Ninh (tỷ lệ hơn 40%) và đà phát triển nhanh của Bắc Giang trong thời gian gần đây. Sự kết nối hạ tầng giữa hai địa phương đã gần như liền mạch, tạo điều kiện để hình thành các cụm đô thị vệ tinh, thành phố công nghiệp và trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất.
Nếu nhìn nhận sáp nhập Bắc Giang - Bắc Ninh chỉ đơn thuần là bài toán hành chính, đó sẽ là một đánh giá phiến diện. Thực tế, đây là cơ hội để tạo ra một trung tâm công nghiệp mới mang tính tích hợp - nơi hội tụ sân bay, cảng cạn, chuỗi cung ứng, hạ tầng logistics và hệ sinh thái FDI đẳng cấp, tạo động lực cho việc phát triển vùng và góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
Với tư duy phát triển vùng, chiến lược quy hoạch đồng bộ và chính sách mở, "siêu tỉnh công nghiệp" Bắc Giang - Bắc Ninh đang trên đà trở thành cực tăng trưởng mới không chỉ của miền Bắc, mà còn của cả nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hậu công nghiệp hóa.
1 tháng nữa, cao tốc gần 5.000 tỷ qua tỉnh lớn thứ 3 Việt Nam sẽ chính thức khởi công
Từ bây giờ, những trường hợp nào bị thu hồi, hủy sổ đỏ đã cấp?