Nga trở thành 'cứu tinh' cho xe xăng Trung Quốc
Bị cô lập khỏi hệ thống kinh tế phương Tây, thị trường ô tô Nga nhận được nguồn cung từ một quốc gia đang “đau đầu” vì dư thừa công suất
Trong các báo cáo kinh tế gần đây, kinh tế Nga vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng đáng kể dù bị cô lập khỏi hệ thống thanh toán quốc tế và mất đi nhiều mối quan hệ thương mại quan trọng với các nước phương Tây. Trong bối cảnh đó, lực cầu tiêu dùng có vẻ như không bị ảnh hưởng trong khi nguồn cung lại bị thu hẹp đáng kể. Hệ quả là thị trường khổng lồ này lại trở thành nơi tiêu thụ lý tưởng cho một số mặt hàng của Trung Quốc - đồng minh thân cận số 1 của Nga.
Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đã là động lực lớn nhất thúc đẩy xuất khẩu ô tô Trung Quốc sang Nga tăng vọt kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu hơn hai năm trước. Thậm chí Nga còn trở thành "cứu cánh" cho các nhà sản xuất ô tô động cơ đốt trong (ICE) truyền thống của Trung Quốc vốn đang phải đối mặt với một nền kinh tế giảm tốc và người dân ngày càng ưa chuộng xe điện.
Ảnh minh họa |
Căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang khiến doanh số xuất khẩu sụt giảm. Bên cạnh đó là nhu cầu mua xe ngoại ở châu Âu  cũng đang giảm dần, nghiễm nhiên biến Nga trở thành thị trường tiêu thụ hàng đầu.
“Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã tạo ra cơ hội thị trường lớn cho ngành ô tô động cơ đốt trong của Trung Quốc, mang lại huyết mạch cho ngành này và làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc của Nga vào hàng hóa Trung Quốc”, hai chuyên gia Gerard DiPippo và Alexander Iskov nhận định.
Họ ước tính rằng 58% mức tăng xuất khẩu ô tô động cơ đốt trong của Trung Quốc kể từ 2021 đến từ thị trường Nga. Hầu hết giao dịch thương mại diễn ra trực tiếp qua biên giới, một số cũng đi qua con đường trung gian, trung chuyển qua các nước Tây Trung Á như Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên phương diện kinh tế và chính trị, Moscow và Bắc Kinh đang có nhiều điểm chung hơn bao giờ hết. Nga-Trung đều đang bị phương Tây gây sức ép. Những nhà cầm quyền dường như luôn sẵn sàng phá vỡ trật tự toàn cầu hiện tại và hành động quyết liệt để tách nền kinh tế quốc gia khỏi chuỗi cung ứng nước ngoài.
Thị phần các hãng ô tô tại Nga. Nguồn: Autostat.ru |
Chiếm thị phần cao nhất ở Nga là hãng ô tô nội địa Lada , thuộc sở hữu của tập đoàn AvtoVAZ PJSC, với mức tăng thị phần trên 30%. Tiếp theo sau là sáu công ty lớn nhất tiếp theo vào năm 2023 đều đến từ Trung Quốc, thay thế Kia và Hyundai của Hàn Quốc và Toyota của Nhật Bản.
Doanh số bán hàng của Chery, thương hiệu xe Trung chiếm vị trí thứ 2 tại Nga, đã tăng gấp ba lần, chiếm 11% thị trường. Haval, một thương hiệu thuộc tập đoàn Great Wall, đã chứng kiến sự gia tăng quy mô tương tự với chiếc SUV crossover Jolion, mẫu xe nước ngoài phổ biến nhất trên thị trường Nga. Sự tăng trưởng đó ở Nga là tin đáng mừng cho Great Wall: công ty vào tháng trước đã đóng cửa trụ sở chính ở châu Âu tại Munich vì không đạt được sức hút ở lục địa này.
Làn sóng xe điện dâng cao cũng đặt các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc phải đối mặt với bài toán khó. Một số thiết bị hiện có của họ có thể được chuyển sang chế tạo các mẫu xe điện, đặc biệt là khung gầm và nội thất, nhưng rất nhiều thiết bị thì không thể. Động cơ và các bộ phận liên quan như hộp số và trục truyền động sẽ phải đối mặt với nhu cầu suy giảm do nhu cầu sử dụng xe điện ngày càng tăng.
Tuy nhiên, các bộ phận sản xuất xe ô tô truyền thống vẫn còn khả năng sử dụng nên rất cần một thị trường tiêu thụ quy mô lớn. Thị trường Nga đặc biệt phù hợp vì người mua ở đây không ưa chuộng xe điện. Theo thống kê từ chuyên trang xe ô tô Autostat.ru, năm ngoái, thị phần của xe chạy bằng xăng trên thị trường Nga, đã thực sự tăng lên 93,7% (từ mức 91,6%), với các mẫu xe chạy bằng động cơ diesel và hybrid được bổ sung vào hỗn hợp nhiên liệu hóa thạch. Xe điện thuần túy chỉ chiếm 1,3% thị trường.
Đó có thể không phải là tin tốt đối với các nhà sản xuất xe điện nhưng là cứu tinh cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Trung Quốc đang thất thế trong quá trình chuyển đổi dài hạn sang các mô hình năng lượng mới và tình trạng “dư thừa công suất ” đang hoành hành.
Tuy nhiên, vấn đề nan giải đối với Bắc Kinh sẽ là làm thế nào để quản lý nhu cầu ngày càng tăng từ Moscow, và rồi nhu cầu chuyển dây chuyền sản xuất sang Nga sẽ trở thành tất yếu đối với các hãng xe Trung Quốc. Suy thoái kinh tế do khủng hoảng tài sản, xuất khẩu suy yếu và dư thừa công suất khiến các nhà hoạch định chính sách phải tìm cách thúc đẩy việc làm và duy trì hoạt động của các nhà máy nội địa, từ đó không khuyến khích đầu tư và chuyển sản xuất ra nước ngoài.
Có một điều chắc chắn rằng các nhà cầm quyền của hai nước Nga - Trung sẽ còn phải cân đo đong đếm giữa lợi ích kinh tế và ngoại giao trên bàn đàm phán trong tương lai.
>> Volvo chuyển dây chuyền sản xuất xe điện ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan 
Volvo chuyển dây chuyền sản xuất xe điện ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan 
Nga bị loại khỏi hệ thống USD, ông Putin tự tin quay sang tiền tệ các nước BRICS