Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, Nga tự tin với sức tăng trưởng kinh tế và khả năng thanh toán quốc tế bất kể sự cô lập của hệ thống kinh tế phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin  hôm thứ 7/6 cho biết gần 40% kim ngạch thương mại của nước này hiện được tính bằng đồng rúp (tiền tệ của Nga), trong khi tỷ trọng được thực hiện bằng USD, euro và các loại tiền tệ của các nước phương Tây “không thân thiện” khác đã giảm đi đáng kể.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF), ông Putin cho biết hầu hết các quốc gia “thân thiện với Nga” đang định hình nền kinh tế toàn cầu và“ các nước này đang chiếm 3/4 sản lượng thương mại của Nga”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) 2024 |
Tuy vậy, ông Putin cũng nói thêm rằng Nga đang tìm cách tăng tỷ lệ thanh toán được thực hiện bằng tiền tệ của các nước trong khối BRICS  - liên minh kinh tế mà Nga là một thành viên cốt cán, bao gồm các thị trường mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết các khoản thanh toán xuất khẩu của Nga bằng tiền tệ “độc hại” của các quốc gia không thân thiện với Nga đã giảm một nửa trong năm qua.
Cùng với đó, tỷ trọng của đồng rúp trong hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng tăng, hiện ở mức gần 40%. Các báo cáo tại SPIEF năm nay và các năm trước cho thấy con số này tăng từ khoảng 30% từ 2023 và cao hơn mức 15% trong những năm trước xung đột với Ukraine.
Để tiếp tục xu hướng này, Tổng thống Nga lên kế hoạch chi tiết cho một cuộc cải tổ lớn đối với thị trường tài chính trong nước, bao gồm kế hoạch tăng gấp đôi giá trị thị trường chứng khoán Nga vào cuối thập kỷ này, giảm nhập khẩu và tăng cường đầu tư vào tài sản cố định.
Theo CNBC, tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Điện Kremlin đang tận dụng diễn đàn SPIEF để tìm kiếm mối quan hệ mới với các nước ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi.
Diễn đàn kinh tế thường niên của Nga tại St. Petersburg (SPIEF) từng được so sánh với là “Davos” của Nga (Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức hàng năm tại Thụy Sĩ). Tuy nhiên, chiến tranh với Ukraine đã làm thay đổi cục diện trong quan hệ thương mại và địa chính trị toàn cầu. Thời mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và nguyên thủ quốc gia phương Tây tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, một sự kiện cho phép Nga giới thiệu các cơ hội kinh tế và đầu tư của mình, đã qua từ lâu.
Phương Tây đang tìm cách cắt đứt liên hệ với nền kinh tế 2 nghìn tỷ USD của Nga để đáp trả cuộc xâm lược của nước này vào Ukraine từ tháng 2/2022. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế của các nước Tây bán cầu trong năm nay, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế. Trong Triển vọng kinh tế thế giới hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết họ dự kiến Nga sẽ tăng trưởng 3,2% vào năm 2024, vượt mức dự đoán 2,7% của Mỹ (2,7%). Đức, Pháp và Anh dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế thậm chí còn thấp hơn dưới 1%.
Nga thậm chí tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các ngành công nghiệp quan trọng đã khiến nền kinh tế Nga trở nên tự chủ hơn: tiêu dùng tư nhân cũng như đầu tư trong nước vẫn có khả năng phục hồi. Việc xuất khẩu dầu và hàng hóa vẫn diễn ra với các khách hàng lớn như Ấn Độ và Trung Quốc, và những quốc gia Đông Âu thân với Nga và Trung Quốc như Slovakia và Hungary.
Đầu tuần này, một số nguồn tin cho biết ông Putin đang xem xét cung cấp vũ khí tầm xa cho các lực lượng chưa xác định nhằm đáp trả việc phương Tây dỡ bỏ một số hạn chế, và viện trợ quân sự cho Ukraine, giúp quân đội nước này tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga trong vài tháng qua.
Kinh tế Nga rơi vào tình thế 'tiến thoái lưỡng nan' vì cuộc chiến ở Ukraine 
IMF: Mặc chiến tranh và cấm vận, kinh tế Nga tăng trưởng nhanh hơn nhiều cường quốc khác