Ngăn chặn các trò lừa đảo qua điện thoại được không?
Có câu hỏi trên là vì vấn nạn này dường như vẫn còn diễn biến phức tạp hơn, dù các cơ quan chức năng đã dùng rất nhiều biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn.
Mới đây, một người dân hoảng hốt khi nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là công an. Người tự xưng nói rằng: “khoảng 5 phút nữa sẽ có bạn hướng dẫn chị cách kê khai để làm lại số định danh điện tử cho con gái”.
Chị nói là con gái đã làm căn cước công dân thì người tự xưng công an nói "nhưng số định danh sai". Kẻ tự xưng nói đúng chồng chị đang làm nghề gì, chị làm nghề gì... khiến chị vừa tin vừa sợ.
Mấy phút sau có người nhắn tin cho chị, bảo chị gửi cho họ 3.000 đồng vào số tài khoản lạ rồi “để được hướng dẫn lấy lịch hẹn sang công an xã làm lại định danh điện tử”. Chị đang luống cuống thì con gái của chị gọi điện cho bố hỏi và được hướng dẫn tắt ngay máy...
Điều đáng nói là “người hướng dẫn” về việc làm lại định danh điện tử nhưng biết rõ tài khoản của chị có bao nhiêu tiền và gửi một tin nhắn có đường linh (link) lạ may mà chị chưa bấm vào.
Sau khi tắt điện thoại, ngân hàng điện tử của chị không hoạt động được phải ra nhờ nhân viên ngân hàng xem, giải quyết. Nhân viên ngân hàng xem cho biết chị chưa bị mất hết tiền trong tài khoản nhưng điện thoại đã bị lỗi, phải nhờ thợ chỉnh sửa...
Khi ra cửa hàng điện thoại, chị được chủ quán cho biết đã có người bị kẻ gian lừa mất nhiều tiền với thủ đoạn vừa kể.
Không mất tiền, nhưng “nạn nhân hụt” nói trên thắc mắc, lo lắng là tại sao thông tin về gia đình, thậm chí số dư tài khoản của mình lại bị lọt vào tay kẻ gian.
Cũng mới đây, một chị đăng trên trang cá nhân cho biết có kẻ tự xưng nói chị phải ra nơi dịch vụ điện thoại để đăng ký lại số điện thoại “cho chính chủ”. Điều lạ là, địa chỉ kẻ gian cho không hề tồn tại ở Hà Nội. Chị giả vờ hỏi lại những câu khá ngây ngô thì kẻ gian cáu gắt rồi cúp máy.
Chị này cho biết rằng, kịch bản tiếp theo mà kẻ gian sẽ nói với chị là làm theo hướng dẫn của chúng đỡ mất thời gian đi lại rồi chiếm đoạt số tiền trong tài khoản...
Kẻ lừa đảo qua điện thoại dường như luôn có thủ đoạn mới khiến người dân mắc bẫy. Điều quan trọng là, dù được cơ quan chức năng cảnh báo trên tin nhắn, phương tiện thông tin đại chúng nhưng nhiều người còn chưa nắm được.
Do đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền cần nâng cao nữa. Mọi người tuyệt đối không nghe điện thoại tự xưng là công an, tòa án, viện kiểm sát, nhà trường... Khi có điện thoại lạ, nên bình tĩnh cúp máy gọi điện cho công an sở tại, cho người thân để được tư vấn.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh hơn nữa để bảo vệ thông tin riêng tư của công dân; các ngân hàng tăng cường bảo mật cho khách hàng, tìm biện pháp để kẻ gian không nắm được các thông tin tài khoản của khách hàng, như số dư tài khoản của trường hợp kể trên.
Cuối cùng, do lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội ngày càng tinh vi, phức tạp, để ngăn chặn, nên có biện pháp chế tài mạnh hơn nữa.
Liên tục cảnh báo, vì sao lừa đảo qua mạng vẫn xảy ra? 
Cảnh báo giả mạo Cục Đăng kiểm Việt Nam để lừa đảo qua mạng