Ngăn chặn và xử lý sâm lậu, bảo vệ thương hiệu sâm Việt Nam
Thời gian qua, trên thị trường xuất hiện những thương nhân buôn bán "sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu" với mức giá rẻ hơn sâm chính gốc vài chục lần, gây ảnh hưởng lớn đến người trồng sâm, đặc biệt làm tổn hại đến thương hiệu một trong những nông sản quý hiếm của Việt Nam hiện nay.
Ngày 8/9, báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam" với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nông dân trong cả nước.
Thông tin tại tọa đàm cho thấy, thời gian qua, trên thị trường xuất hiện những thương nhân buôn bán "sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu" với mức giá rẻ hơn sâm chính gốc vài chục lần. Cụ thể, trong khi giá sâm Ngọc Linh chính gốc loại 1 có giá lên đến hơn 300 triệu đồng/kg, sâm Lai Châu giá trên 120 triệu đồng/kg, thì trên thị trường xuất hiện loại sâm mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu có mức giá chỉ vài triệu đồng/kg. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tới thương hiệu mà những người trồng sâm ở Việt Nam đã đầu tư nhiều tiền của. Nhiều nông dân đã bày tỏ lo ngại có thể dẫn tới phá sản nếu tình trạng sâm nhập lậu không được ngăn chặn kịp thời.
Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, 8 tháng năm 2023 đã có hơn 4.400 vụ việc liên quan đến sâm nhập lậu được xử lý. Không chỉ phát hiện nhiều cửa hàng bán sâm không rõ nguồn gốc mà còn phát hiện thêm nhiều sản phẩm bánh, kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm mạo danh nguồn gốc sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu.
Thượng tá Phùng Ngọc Trường, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Trước công tác đấu tranh quyết liệt của lực lượng chức năng, các đối tượng chuyển sang nhập hàng lậu với số lượng nhỏ, lợi dụng đêm tối, đường sá miền núi để gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Thượng tá Phùng Ngọc Trường cho rằng, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì công tác tuyên truyền để nhận diện sâm Ngọc Linh và Lai Châu là hết sức quan trọng, bởi không có sâm nào giá vài triệu đồng một kg.
Đồng quan điểm, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho rằng, để bảo vệ được thương hiệu sâm Việt Nam, đòi hỏi các cơ quan phải làm việc quyết liệt hơn nữa. Theo ông Mạnh, một trong những cách làm mang lại hiệu quả cao là giúp người dân phân biệt được hàng thật, hàng giả. Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường đã tổ chức trưng bày nhận diện sâm Ngọc Linh ở Hà Nội, điều này giúp người dân phân biệt được hàng thật với hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc xử lý doanh nghiệp, cá nhân trà trộn sâm ngoại lai vào Việt Nam không khó khi chúng ta kiểm soát, yêu cầu đầy đủ hóa đơn chứng từ của sản phẩm. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu nuôi cấy mô, sản xuất hàng loạt để nâng cao năng suất.
Ngày 1/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 611/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hiện có hai vùng trồng sâm có giá trị tại Việt Nam là vùng sâm Ngọc Linh trồng tại Quảng Nam, Kon Tum và vùng trồng sâm Lai Châu tại tỉnh Lai Châu. Trong đó, sâm Ngọc Linh - loại sâm đặc hữu ở Quảng Nam và Kon Tum với hàm lượng saponin vượt trội các loại sâm nổi tiếng trên thế giới.
CEO OpenAI Sam Altman bị tố lạm dụng tình dục em gái ruột suốt gần một thập kỷ 
Thu hơn 5 triệu đồng mỗi tháng từ người dùng, tại sao OpenAI vẫn lỗ nặng với ChatGPT Pro