Ngân hàng chật vật thanh lý tài sản thế chấp, bán đi bán lại vẫn ế
Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng có tiếng tăm đã bị ngân hàng siết nợ.
Việc phải rao bán tài sản bảo đảm là bước đi bất đắc dĩ của các ngân hàng nhằm hạn chế tác động của nợ xấu . Thế nhưng việc bán tài sản thế chấp là bất động sản không dễ và bán đi bán lại nhiều lần vẫn “ế” trong bối cảnh thị trường đang khó khăn.
Loạt công ty bất động sản, xây dựng lớn bị ngân hàng siết nợ
Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB  ) đã thông báo đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC để thu hồi nợ. Theo đó, ngân hàng này rao bán 84 căn biệt thự thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái FLC, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa (Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn - FLC Sầm Sơn Golf Links).
Toàn bộ 84 căn biệt thự nói trên sẽ được bán chung, không bán riêng lẻ. Giá khởi điểm gần 550 tỷ đồng, thấp hơn so với giá khởi điểm 610 tỷ đồng được đưa ra vào đầu tháng 9.
Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa có quy mô 300 ha và tổng mức đầu tư 12.088 tỷ đồng. Dự án do CTCP Tập đoàn FLC phát triển, được khởi công vào tháng 5/2014 và chính thức vận hành vào tháng 7/2015.
OCB từng là chủ nợ lớn nhất của FLC với tổng dư nợ khoảng 1.531 tỷ đồng tại ngày 30/3/2022, bao gồm 713 tỷ đồng nợ tín dụng và 818 tỷ đồng nợ trái phiếu được bảo đảm bằng các quyền sử dụng đất.
Đơn cử như tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) , liên tiếp các thông báo bán đấu giá khoản nợ từ nhiều doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh được đăng tải trong thời gian gần đây. Tổng giá trị khoản nợ phải thu hồi lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, mới đây, ngân hàng này cũng đấu giá lần 3 khoản nợ của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Hoàng Hải Phú Quốc (Công ty Hoàng Hải Phú Quốc). Những khoản nợ này có tổng giá ban đầu là hơn 381 tỷ đồng, giảm hơn 43 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên.
Tương tự, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV ) thông báo tìm người mua quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Quận 6, Tp. Hồ Chí Minh. Thửa đất có diện tích 1.136 m2, là đất thương mại, dịch vụ, thuộc sở hữu của Công ty TNHH Than Khoáng sản Ngoại thương Sài Gòn. Đây là lần thứ 12 BIDV đưa tài sản này ra đấu giá. Giá khởi điểm đã giảm hơn 43,7 tỷ đồng so với lần đấu giá đầu tiên, xuống còn 72,8 tỷ đồng.
Còn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank ) , khoản nợ hơn 500 tỷ đồng của Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp (Descon) được rao bán lần thứ 4 với giá giảm 62 tỷ đồng so với lần rao bán cách đây gần 4 tháng. Dư nợ tạm tính đến ngày 13/9 là hơn 561 tỷ đồng; trong đó, dư nợ gốc hơn 327 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản vay là 20 quyền sử dụng đất tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) cùng các quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng thi công công trình, quyền tài sản khác và quyền sử dụng đất.
Bán đi bán lại vẫn ế
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tổng giá trị bất động sản thế chấp tại các ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Thậm chí, tỷ lệ này tại một số ngân hàng còn lên đến 80-90% tổng dư nợ cho vay. Do đó, bất động sản thường là tài sản được các tổ chức tín dụng đem ra phát mãi nhiều nhất khi khách hàng không trả được nợ vay.
Tài sản giá trị lớn nhưng không dễ thanh khoản, nhiều ngân hàng phát mại hàng chục lần, giá trị tài sản giảm sâu vẫn ế khách mua. Nguyên nhân chính được giới chuyên gia chỉ ra là một phần do nguyên nhân khách quan của thị trường và nền kinh tế nói chung; phần khác còn do việc định giá tài sản phát mại.
"Tài sản đảm bảo đem ra phát mại không được bán giảm giá quá nhiều, nên giá phát mại chỉ giảm nhỏ giọt trong mỗi lần rao bán, khiến tài sản đấu giá đến cả chục lần vẫn chưa có người mua", TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định.
Không riêng bất động sản, nhiều ô tô, máy móc, thiết bị cũng được các ngân hàng rao bán và trong tình trạng khó thanh khoản.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài làm suy giảm khả năng trả nợ. Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện, thiếu các cơ chế và chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.
Đáng chú ý, Thống đốc cho biết thị trường bất động sản tiếp tục tình trạng thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%).
Do đó, chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới có thể tiếp tục chịu áp lực.
Chuyên gia cảnh báo nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào quý 4 năm nay