Ngân hàng VIB: Hơn 6.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, lợi nhuận đi lùi 25%
Vào tháng 4, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ từng chia sẻ với cổ đông rằng, theo thời gian, nhà đầu tư sẽ nhận ra sự khác biệt giữa ngân hàng bán lẻ và ngân hàng bán buôn. Thế nhưng, bức tranh nợ xấu và lợi nhuận của VIB – một ngân hàng bán lẻ tiêu biểu – lại đang nhuốm những gam màu u ám từ đầu năm đến nay.
Hơn 6.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn
Đến cuối quý III, tổng nợ xấu của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đạt 11.503 tỷ đồng, tăng 37% so với mức 8.417 tỷ đồng hồi đầu năm. Đáng chú ý, trong khi nợ nhóm 3 và 4 lần lượt giảm 10% và 13% thì nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng tới 174% so với đầu năm và cán mốc 6.028 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính tại ngày 30/9/2024 cho biết, nợ nhóm 5 của VIB bao gồm 5.986 tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng và 42 tỷ đồng chứng khoán đầu tư.
Chất lượng tài sản của VIB liên tục suy giảm từ đầu năm khi tỷ lệ nợ xấu tăng 0,47 điểm phần trăm, từ 2,2% lên 2,67% vào cuối quý III. Hiện tại, VIB là một trong những nhà băng thuộc nhóm có tỷ lệ nợ xấu cao trong hệ thống ngân hàng.
Ảnh minh họa |
Với mô hình bán lẻ đặc trưng, VIB có tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh cá thể chiếm tới 85% tổng dư nợ vào cuối năm 2023 và gần 80% tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến ngày 30/9/2024.
Trong ĐHĐCĐ thường niên 2024 hồi tháng 4, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ thông tin tới cổ đông, 95% khoản vay của VIB có tài sản bảo đảm, chất lượng tín dụng của ngân hàng tốt. Ông Vỹ cũng nhận định, theo thời gian, nhà đầu tư sẽ nhìn thấy sự khác biệt giữa ngân hàng bán lẻ và bán buôn.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động kinh doanh cho thấy, VIB - một ngân hàng bán lẻ điển hình, cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, về cả chất lượng tài sản và hoạt động kinh doanh.
Chứng khoán DSC đánh giá, danh mục cho vay của VIB có khả năng phân tán rủi ro cao nhờ cho vay cá nhân lớn (là các khoản vay nhỏ lẻ) với 91% các khoản vay có tài sản đảm bảo và 99,5% có tài sản đảm bảo là sổ đỏ, sổ hồng, đảm bảo tính minh bạch. Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu đến từ sức khỏe tài chính của khách hàng cá nhân suy giảm và đây cũng là nhóm đối tượng có tốc độ hồi phục chậm hơn so với khách hàng doanh nghiệp.
“Vì vậy áp lực nợ xấu của VIB có khả năng kéo dài hơn so với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp cao", báo cáo phân tích ngày 11/9 của DSC nhận định.
Lợi nhuận đi lùi 26%
Trong số 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán và hai ngân hàng chưa niêm yết là BaoVietBank và PVCombank vừa công bố báo cáo tài chính quý III, có 17 ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương. Đáng chú ý, một số ngân hàng quy mô nhỏ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận rất cao, như VietABank (265%), VietBank (727%), Eximbank (194%), BacABank (252%),…
Trong bối cảnh ngành ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt về lợi nhuận, VIB ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quý vừa qua. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của VIB quý III chỉ đạt 1.998 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân nằm ở sự suy giảm hầu hết các nguồn thu nhập chính, bao gồm: thu nhập lãi thuần giảm 13%, lãi từ dịch vụ giảm 42%, hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 58%, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 42%.
Mặc dù chi phí hoạt động tăng nhẹ 3,8% và chi phí dự phòng rủi ro giảm gần 29% nhưng các yếu tố này vẫn không đủ bù đắp cho sự suy giảm doanh thu. Kết quả, lợi nhuận sau thuế còn 1.599 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6.603 tỷ đồng, hoàn thành chưa tới 55% kế hoạch lợi nhuận năm.
Theo Chứng khoán DSC, ước tính VIB sẽ đạt 23.343 tỷ tổng thu nhập hoạt động và 10.782 tỷ (tăng 1% YoY) lợi nhuận trước thuế trong năm nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: VnEconomy |
Ngoài tình trạng nợ xấu gia tăng và kết quả kinh doanh ảm đạm, VIB còn chứng kiến sự rút lui của cổ đông chiến lược – Commonwealth Bank of Australia (CBA), từng nắm giữ 20% vốn điều lệ ngân hàng. Vào tháng 9/2024, CBA bắt đầu quá trình thoái vốn khỏi VIB nhằm tập trung vào hoạt động ngân hàng tại thị trường Úc và New Zealand.
Trong thông cáo mới đây, CBA xác nhận đã bán gần khoảng 10% vốn điều lệ của VIB trong phiên ngày 29/10. Dự kiến công ty thu về khoảng 320 triệu AUD (5.320 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại). Theo CBA, giao dịch thoái vốn tại VIB sẽ giúp tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 (CET1) tăng thêm 7 điểm cơ bản (bps), dựa trên số liệu tài sản có rủi ro tín dụng (RWA) vào ngày 30/6.
Trước đó, trong thông cáo ngày 24/9, CBA xác nhận đã bán gần 5% vốn điều lệ tại VIB trong cùng ngày, thu về khoảng 160 triệu AUD (tương đương 2.700 tỷ đồng). Sau hai lần bán cổ phiếu VIB, hiện CBA vẫn còn nắm giữ khoảng 5% vốn tại ngân hàng này. Thông cáo không đề cập liệu CBA có kế hoạch tiếp tục các đợt thoái vốn trong thời gian tới hay không.
Việc CBA thoái vốn không khiến giới quan sát quá bất ngờ, bởi từ đầu tháng 7, VIB đã giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) xuống còn 4,99% (tương đương 148,7 triệu cổ phiếu). Trước đó, room ngoại của ngân hàng được duy trì ở mức 20,5% (tương đương 611 triệu cổ phiếu) và gần như luôn trong tình trạng kín room.
Commonwealth Bank of Australia là ngân hàng đa quốc gia hàng đầu của Úc, được thành lập vào năm 1911. CBA có mạng lưới rộng khắp với hơn 1.000 chi nhánh trong nước và hiện diện tại nhiều quốc gia trên thế giới, cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính như ngân hàng bán lẻ, bảo hiểm, đầu tư và quản lý quỹ.
Tại Việt Nam, CBA bắt đầu hoạt động từ năm 1994 với văn phòng đại diện tại Hà Nội và mở chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2008. Tuy nhiên, đến năm 2020, CBA đã rút toàn bộ khỏi thị trường Việt Nam.
>> Cập nhật mới nhất tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại tại 3 ngân hàng Big4 
VIB kinh doanh ra sao dưới thời Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ? 
Người có liên quan đến Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ bị hủy giao dịch bán cổ phiếu