Ngành học này không những bảo đảm mức thu nhập tương đối cao mà còn hứa hẹn những triển vọng to lớn trong tương lai.
Mức thu nhập hấp dẫn không thể bỏ qua
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tới năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn  của Việt Nam dự báo sẽ cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 5.000 kỹ sư ở tất cả các khâu trong mảng thiết kế chip. Chính vì vậy, rõ ràng nước ta đang có một khoảng trống lớn về nguồn nhân lực chip cần bổ sung và lấp đầy trong 5 năm sắp tới đây.
Ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng Giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam nhìn nhận chip là một thành tố “nuôi sống” cả ngành số, cũng như gạo là thành tố quan trọng nuôi sống con người. Ông cũng cho biết rằng mức lương hàng năm của một kỹ sư thiết kế chip tại Mỹ đang rơi vào khoảng 100.000 đến 300.000 USD.
Trong khi đó, tại Việt Nam, lương cho người làm thiết kế chip dao động từ 10.000 đến 100.000 USD mỗi năm. Nếu bạn có người có 1-3 năm kinh nghiệm thì con số sẽ rơi vào khoảng 10.000 - 15.000 USD/năm, thậm chí, ngay khi mới ra trường, các bạn sinh viên đã có mức lương khởi điểm là khoảng 10.000 USD/năm (chưa kể thưởng). Nếu bạn có từ 4-6 năm kinh nghiệm thì mức thu nhập khoảng 16.000 - 25.000 USD/năm. Con số này thậm chí có thể là từ 46.000 - 80.000 USD hoặc thậm chí có thể cao hơn nếu bạn có trên 11 năm kinh nghiệm.
"Tôi luôn nói với các bạn: Bạn nào làm 10 năm trong ngành này mà không ngon lành thì anh bỏ nghề", Tổng Giám đốc Công ty CoAsia Semi Việt Nam chia sẻ.
Ông Lê Thành Nam, Giám đốc Công ty VIETA Solutions Việt Nam (thuộc ETA Semiconductor) cũng đã có những chia sẻ đáng chú ý về ngành thiết kế chip. Theo đó, ông Nam cho biết rằng tại Công ty VIETA Solutions Việt Nam, lương của kỹ sư thiết kế chip có 1 năm kinh nghiệm rơi vào khoảng 1.000 USD/tháng.
Dù mức lương của kỹ sư thiết kế chip tại Mỹ và Việt Nam đang có sự chênh lệch, tuy nhiên, đây vẫn là ngành có mức thu nhập cao tại Việt Nam nếu so với mặt bằng chung.
Triển vọng to lớn trong tương lai
Chia sẻ về mảng thiết kế chip hiện nay, ông Nguyễn Thanh Yên đánh giá: "Hiện nhân sự ngành chip đang thiếu hụt trên toàn thế giới. Việc Việt Nam đào tạo được nguồn nhân lực tốt, trở thành nơi cung cấp nhân lực sẽ trở thành mỏ neo giữ các công ty đầu tư ở lại. Nguồn nhân lực càng nhiều và chất lượng thì mỏ neo càng lớn và chắc chắn để giữ dòng tiền đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên thách thức với những người trẻ muốn theo đuổi ngành thiết kế chip bán dẫn không hề nhỏ. Họ cần đam mê, kiên trì bởi phải sau khoảng 10 năm mới bắt đầu thu quả ngọt”.
Hiện tại, Việt Nam cũng đang có nhiều cơ sở giáo dục đào tạo về ngành bán dẫn, từ đó, mở ra cơ hội bổ sung thêm nguồn lực lao động cần thiết cho các công ty thiết kế chip.
Theo chia sẻ của ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch hội đồng trường Đại học FPT, để trở thành một kỹ sư thiết kế chip, bên cạnh các khóa học dài hạn ở các trường đại học, những người quan tâm đến ngành này cũng có thể lựa chọn các khóa dạy nghề.
Đánh giá về mức lương chênh lệch của kỹ sư Mỹ và kỹ sư Việt Nam, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết rằng việc mức lương người làm chip ở Việt Nam thấp hơn tại Mỹ, tuy nhiên, nếu nhìn ở mặt tích cực thì có thể xem đây là một cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ, tập đoàn bán dẫn nước ngoài đến nước ta thuê nhân công, đặt văn phòng đại diện, nhà máy.
Ông Lê Hải Anh, Giám đốc Dolphin Technology Vietnam Center cũng có quan điểm tương tự khi ông cho rằng các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài sẽ nhìn vào chi phí và cơ hội khi quyết định có đầu tư vào Việt Nam hay không.
“Bên cạnh những cơ hội đầu tư hấp dẫn, một lợi thế của Việt Nam là có lượng lớn kỹ sư người Việt đang làm trong mảng thiết kế chip tại Mỹ, Hàn Quốc, Singapore. Chính họ sẽ góp phần giúp các tập đoàn bán dẫn toàn cầu nhìn thấy chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, qua đó gián tiếp tác động đến nhu cầu mở văn phòng, doanh nghiệp ”, ông Lê Hải Anh cho biết.