Ngành học cho 'ra lò' 6 tỷ phú đô la Việt Nam với tổng tài sản xấp xỉ 14 tỷ USD: Hầu hết đều liên quan đến kỹ thuật, có ngành đầu vào gần 36 điểm

03-04-2024 14:26|Quỳnh Như

Để có được thành công trên thương trường, những người giàu nhất Việt Nam đều có học vấn khủng, theo học tại các trường đại học danh giá.

Theo danh sách Forbes công bố ngày 2/4, năm nay Việt Nam vẫn có 6 tỷ phú nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Những cái tên này bao gồm: Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng; Giám đốc điều hành Hãng hàng không VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo; Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long; Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh; Chủ tịch CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương và Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang.

Tổng cộng 6 tỷ phú USD Việt Nam có khối tài sản theo bảng xếp hạng 2024 của Forbes đạt 13,9 tỷ USD, tăng so với mức 12,6 tỷ USD cùng thời gian này năm ngoái.

Để có được thành công trên thương trường, những người giàu nhất Việt Nam đều có học vấn khủng, theo học tại các trường đại học danh giá trong nước và quốc tế.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng - ngành Kinh tế và Địa chất

Ông Phạm Nhật Vượng từng thi đỗ vào trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội

(TyGiaMoi.com) - Ông Phạm Nhật Vượng từng thi đỗ vào trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội

Người nắm giữ nhiều tài sản nhất trong số 6 tỷ phú USD của Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng. Năm 1980 - thông qua mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước Đông Âu - đặc biệt là Liên Xô, Việt Nam đã gửi rất nhiều học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc nhất sang nước bạn học tập với các chuyên ngành liên quan đến kinh tế, tài chính, khoa học - kỹ thuật. Thời kỳ đó, du học Liên Xô là niềm mơ ước thoát nghèo của nhiều thanh niên Việt Nam.

​Năm 1985, ông thi đỗ vào trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, năm 1987, ông giành được học bổng du học tại Học viện địa chất Moscow, chuyên ngành Kinh tế và Địa chất.

Sau khi tốt nghiệp và kết hôn, ông chuyển đến thành phố Kharkov, mở cửa hàng ăn lấy tên Việt Nam Thăng Long. Sau đó ông khởi nghiệp với thương hiệu mì Mivina, mở đầu cho hành trình gây dựng khối tài sản 4,4 tỷ USD (đứng thứ 712 thế giới).

Giám đốc điều hành VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo - ngành Điều khiển học kinh tế, Tài chính tín dụng, Quản lý kinh tế

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo có 2 bằng cử nhân và 1 bằng Tiến sĩ

(TyGiaMoi.com) - Bà Nguyễn Thị Phương Thảo có 2 bằng cử nhân và 1 bằng Tiến sĩ

Là người giàu thứ 1187 trên thế giới, trước khi có được khối tài sản lên đến 2,8 tỷ USD, bà Nguyễn Thị Phương Thảo từng thi đỗ Đại học Ngoại thương. Nhưng sau đó, bà không học ở Việt Nam mà đi du học ở Đông Âu và được biết đến nhờ thành tích học tập xuất sắc.

Bà có 2 bằng cử nhân và 1 bằng Tiến sĩ. Bà tốt nghiệp tiến sĩ Học viện Mendeleev ngành Điều khiển học kinh tế. Đồng thời, nữ tỷ phú này lấy bằng cử nhân ngành Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Moscow và cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động tại trường Kinh tế quốc dân Moscow.

Trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam sau khi về nước gây dựng nên hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air, bà Thảo còn cùng với chồng là doanh nhân Thanh Hùng điều hành Sovico Group – tập đoàn hoạt động đa ngành từ hàng không, tài chính ngân hàng, năng lượng đến bất động sản.

Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long - ngành Toán kinh tế

Ông Trần Đình Long học chuyên ngành Toán kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân

(TyGiaMoi.com) - Ông Trần Đình Long học chuyên ngành Toán kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân

"Vua thép" Trần Đình Long vốn học rất giỏi môn văn và thường có tên trong đội tuyển học sinh giỏi của trường từ thời đi học. Dù vậy, ông lại theo học chuyên ngành Toán kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân.

Đến nay, ngành học của tỷ phú "xe lu" vẫn là một trong những ước mơ của nhiều sĩ tử với điểm chuẩn là 35,95 (Toán hệ số 2) năm 2023, tương ứng thí sinh phải đạt gần 9 điểm/môn.

Đây là ngành học chuyên nghiên cứu về việc vận dụng toán học và việc phân tích các mô hình kinh tế, nhằm mục đích hiểu rõ hơn về các quy luật kinh tế của nền kinh tế thị trường đầy biến động.

Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh - ngành Kỹ sư điện, Quản trị nhân lực

Ông Hồ Hùng Anh có bằng Kỹ sư điện và Thạc sĩ Quản trị nguồn nhân lực

(TyGiaMoi.com) - Ông Hồ Hùng Anh có bằng Kỹ sư điện và Thạc sĩ Quản trị nguồn nhân lực

Lần thứ 6 xuất hiện trong danh sách của Forbes, ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ khối tài sản khoảng 1,7 triệu USD. Theo Forbes Việt Nam, ông có bằng Kỹ sư điện tại trường Đại học Bách khoa Kiev (Ukraine) và Thạc sĩ Quản trị nguồn nhân lực tại Đại học Giao thông đường bộ Moskva.

Doanh nhân này tham gia hội đồng quản trị Techcombank năm 2004. Bốn năm sau, ông trở thành Chủ tịch ngân hàng này cho đến thời điểm hiện tại.

Ngoài những đóng góp cho Techcombank, ông Hồ Hùng Anh còn được biết đến là người xây dựng đế chế Masan cùng với ông Nguyễn Đăng Quang. Ông từng nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc của Masan và là Phó Chủ tịch HĐQT công ty.

Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang - ngành Quản trị kinh doanh, Vật lý hạt nhân

Ông chủ Masan có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh và Tiến sĩ Vật lý hạt nhân

(TyGiaMoi.com) - Ông chủ Masan có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh và Tiến sĩ Vật lý hạt nhân

Trong thế hệ du học sinh Việt Nam tại Đông Âu những năm 1980-1990, ông Nguyễn Đăng Quang là gương mặt tiêu biểu với thành tích học tập nổi bật. Sau 10 năm du học, ông tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học Kinh tế Nga Plekhanov. Bên cạnh đó, còn có trong tay tấm bằng Tiến sĩ Vật lý hạt nhân tại Đại học Vật lý ứng dụng - Viện Hàn lâm khoa học Belarus.

Sau khi hoàn thành chương trình học, ông trở về nước công tác tại Viện khoa học Việt Nam rồi trở lại Nga để “buôn” mì gói.

Khi được hỏi về lý do học vật lý hạt nhân nhưng đi buôn mỳ gói, ông chủ Masan từng lý giải tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019: “Hơn hai mươi năm trước, tình hình kinh tế Việt Nam còn khó khăn, nhu cầu "no bụng" người Việt Nam là rất cấp thiết, cách tốt nhất và nhanh nhất mà họ có được là một gói mì.

Đến một ngày, Masan phát hiện ra không chỉ riêng gì người Việt Nam mà còn 140 triệu người dân Nga cũng cần gói mì để giải quyết cơn đói lòng".

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương - ngành Máy nâng chuyển bốc xếp

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương theo học và có bằng cử nhân Đại học Bách khoa TP. HCM chuyên ngành Máy nâng chuyển bốc xếp

(TyGiaMoi.com) - Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương theo học và có bằng cử nhân Đại học Bách khoa TP. HCM chuyên ngành Máy nâng chuyển bốc xếp

Sau khi tốt nghiệp, ông Dương xin làm công nhân sửa chữa ô tô, sau đó dần được đề xuất lên vị trí quản lý. Vị doanh nhân sáng lập THACO vào năm 1997, ban đầu chỉ bán xe. Một thời gian sau, THACO bắt đầu lắp ráp xe cho các thương hiệu quốc tế như Kia, Mazda và Peugeot.

Tài năng của của ông Dương được chứng minh qua sự thành công của Thaco. Đến nay, đây là một trong những tập đoàn đa ngành với thế mạnh là ô tô, cùng với cơ khí & công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, logistics, ...

Vào danh sách của Forbes từ năm 2018, tài sản của Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình ước tính khoảng 1,2 tỷ USD.

>> Việt Nam có 6 tỷ phú trong danh sách thế giới, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng thêm bao nhiêu?

Khởi nghiệp từ 'con số 0', anh thợ mộc trở thành tỷ phú USD

Nhìn lại năm 2023 của các doanh nhân tuổi Mão: Người rời khỏi danh sách tỷ phú USD, người bỏ lại tài sản nghìn tỷ lên chùa đi tu

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nganh-hoc-cho-ra-lo-cho-6-ty-phu-do-la-viet-nam-voi-tong-tai-san-xap-xi-14-ty-usd-hau-het-deu-lien-quan-den-ky-thuat-co-nganh-dau-vao-gan-36-diem-d119501.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ngành học cho 'ra lò' 6 tỷ phú đô la Việt Nam với tổng tài sản xấp xỉ 14 tỷ USD: Hầu hết đều liên quan đến kỹ thuật, có ngành đầu vào gần 36 điểm
    POWERED BY ONECMS & INTECH