Ngành học là 'vua của mọi ngành' lương 2 tỷ đồng/năm vẫn thiếu hàng chục nghìn nhân sự, 74% kỹ sư tập trung ở thành phố giàu có nhất Việt Nam
Theo Đề án trình Chính phủ, đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo 12.000-15.000 kỹ sư, cử nhân phục vụ trong ngành này.
Mới đây, lễ bế giảng chương trình "Thiết kế Vật lý Vi mạch VLSI Cơ bản" đã diễn ra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư , khép lại một khóa học kéo dài 3 tháng với sự tham gia của hơn 70 học viên.
Đây là khóa đào tạo chuyên sâu đầu tiên về Thiết kế vi mạch  do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức, phối hợp cùng Tập đoàn FPT , Tổ chức Tresemi từ Silicon Valley và Tập đoàn Cadence - doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế chip. Chương trình còn nhận được sự hỗ trợ từ các trường đại học chuyên về bán dẫn tại Việt Nam.
Khóa học này là bước cụ thể hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư và cử nhân phục vụ cho ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt.
Sự kiện cũng đánh dấu cột mốc quan trọng trong chương trình đào tạo với mục tiêu nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong lĩnh vực Thiết kế vi mạch bán dẫn - lĩnh vực đang thiếu hụt nguồn nhân lực  tại Việt Nam.
Thiết kế vi mạch là ngành gì?
Ngành Thiết kế vi mạch (tên tiếng Anh là Integrated circuit design hay VLSI design) tập trung vào nghiên cứu, phát triển và chế tạo các chip điện tử, còn gọi là mạch tích hợp. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, Thiết kế vi mạch đang nổi lên như một ngành nghề đầy triển vọng, được nhiều người gọi là "vua của mọi ngành".
Nhu cầu về kỹ sư trong lĩnh vực này là rất lớn, mỗi năm các công ty cần khoảng 300 kỹ sư mới. Tuy nhiên, số lượng sinh viên được đào tạo trong ngành này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, nên hầu hết các sinh viên tốt nghiệp đều dễ dàng tìm được việc làm ngay sau khi ra trường.
Việt Nam hiện là điểm đến của nhiều công ty vi mạch hàng đầu thế giới như Intel  (Mỹ), Renesas (Nhật), Marvell (Mỹ), Applied Micro (Mỹ), Esilicon (Mỹ), Arrive Technology (Mỹ), Uniquify (Mỹ), Grey Stones (Mỹ)... Khoảng 2.000 kỹ sư Việt Nam đang làm việc tại các tập đoàn này, góp phần vào sự phát triển của ngành Công nghiệp vi mạch toàn cầu.
Theo Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư đang làm việc trong lĩnh vực Thiết kế vi mạch, với sự phân bố chủ yếu tại thành phố giàu có nhất Việt Nam - TP. HCM (74%), Hà Nội (10%) và Đà Nẵng (8%).
Với những tiềm năng và cơ hội lớn trong giai đoạn chuyển đổi số, ngành Thiết kế vi mạch được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong 10-15 năm tới, trở thành một lựa chọn hàng đầu cho những ai đam mê nghiên cứu khoa học.
Cơ hội rộng mở, thu nhập hàng tỷ đồng
Sở dĩ ngành học này hot bởi sinh viên có cơ hội việc làm  vô cùng rộng mở, được các doanh nghiệp săn đón, mức lương bổng tăng phi mã, lên đến hàng tỷ đồng/năm.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Phúc Vinh, Chuyên gia vi mạch bán dẫn, thành viên Ban Chấp hành Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP. HCM (HSIA), nhu cầu nhân lực cho ngành này tại Việt Nam đang rất lớn và dự báo tiếp tục tăng trong các năm tới.
"Theo kết quả khảo sát thực hiện giữa HSIA và cộng đồng vi mạch Việt Nam vào tháng 7/2023, trung bình 1 doanh nghiệp mới có nhu cầu tuyển dụng từ 50-100 kỹ sư Thiết kế vi mạch và dự báo nhu cầu nhân lực chất lượng cao tăng đều từ 10-15%/năm, tương đương 600 kỹ sư/năm.
Riêng khối ngành liên quan đến đóng gói và kiểm thử sẽ có tốc độ tăng nhân lực nhanh hơn do có nhiều doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu hoạt động hoặc đầu tư mở rộng như Amkor, Hana-Micro, Samsung và Intel Việt Nam", ông Vinh cho biết.
Học ngành Thiết kế vi mạch, bạn có thể đảm nhận các công việc như thiết kế kiến trúc, logic, mạch số, mạch tương tự, mạch tín hiệu hỗn hợp, kiểm tra thiết kế và kỹ sư giải pháp thiết kế. Ngoài ra, nhân sự có thể làm việc tại các doanh nghiệp tuyển dụng tiêu biểu như Marvel, Realtek, FPT Semiconductor, Viettel, Synopsys, Uniquify, ADTechnology, SemiFive, CoAsia, VnChip…
Tại hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cuối năm 2023, đại diện công ty phần mềm thông tin nhân lực Thiết kế vi mạch mới ra trường có thu nhập sau thuế mỗi năm gần 220 triệu đồng, với những người có kinh nghiệm lâu năm 1,3-1,5 tỷ đồng.
Nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn của các công ty rất lớn, tuy nhiên khó tuyển người do nhân lực trong lĩnh vực này đang thiếu.
Tại Tọa đàm thiết kế chip bán dẫn do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tổ chức, đại diện các công ty phần mềm thông tin kỹ sư thiết kế chip mới ra trường có 1-3 năm kinh nghiệm có thể nhận mức lương 10.000-15.000 USD/năm (tương đương 250-380 triệu/năm). Với người có kinh nghiệm, mức lương này tăng lên 46.000-80.000 USD (tương đương 1,1-2 tỷ đồng), thậm chí cao hơn.
Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư Công nghệ bán dẫn đến năm 2030, trong đó cần thêm 12.000-15.000 kỹ sư Thiết kế vi mạch.
Học Thiết kế vi mạch ở đâu?
Với sức hút đó, những năm gần đây đã có hàng chục trường đại học thông báo mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn. Hiện có tới 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang đào tạo những lĩnh vực trực tiếp hoặc ngành gần đối với lĩnh vực này.
Cụ thể, trên địa bàn khu vực miền Nam, các trường top đầu đào tạo ngành này có thể kể đến như Đại học Bách Khoa TP. HCM; Đại học Công nghệ Thông tin TP. HCM; Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM; Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM…
Ở khu vực miền Bắc có các trường sau: Đại học Bách khoa Hà Nội ; Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội , Đại học Công nghiệp Hà Nội…
Các môn học và kiến thức cung cấp tại mỗi trường cũng có sự khác biệt. Chẳng hạn ở Đại học Bách Khoa TP. HCM, theo học ngành Thiết kế vi mạch (IC Design), các bạn sinh viên sẽ được học kiến thức cơ bản để có thể thiết kế ra một con chip (vi mạch tích hợp).
Thiết kế vi mạch thường chia làm 3 loại: Thiết kế số (Digital IC), Thiết kế tương tự (Analog IC), Thiết kế tín hiệu hỗn hợp (Mixed-signal). Sản phẩm là chip điện tử, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp (điện tử, CNTT, viễn thông...)
Điểm chuẩn của ngành này thế nào?
Điểm chuẩn của một số ngành liên quan đến lĩnh vực Thiết kế vi mạch như Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Vật lý kỹ thuật, Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano dao động từ 16-27 điểm.
Trong đó, dẫn đầu về mức điểm chuẩn  ngành Kỹ thuật điện là Đại học Bách khoa Hà Nội. Mức điểm này xấp xỉ các ngành “hot” khác của trường như Tự động hóa, Công nghệ thông tin...
Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. HCM có mức điểm trúng tuyển có mức điểm chuẩn ngành Kỹ thuật điện, điện tử có mức điểm chuẩn cao nhất khu vực phía Nam.
Đạt mức điểm 23-26 điểm, thí sinh có thể xem xét đăng ký vào ngành Kỹ thuật điện, điện tử của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng hay Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Các trường như Đại học Điện lực, Đại học Mỏ - Địa chất, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Đại học Công nghệ TP. HCM, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM…điểm chuẩn dao động ở mức gần và đến 20 điểm.