Ngành phân bón năm 2025: Cơ hội bứt phá nhờ hiệu ứng kép từ Luật Thuế VAT
Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, dự kiến áp dụng từ tháng 7/2025, hứa hẹn sẽ tạo động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành phân bón Việt Nam.
Theo báo cáo của Trung tâm phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS Research), dự thảo sửa đổi Luật Thuế VAT  đưa phân bón vào diện chịu thuế 5% có thể tạo nên bước ngoặt lớn. Thay đổi này giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước được khấu trừ thuế đầu vào, giảm giá thành và gia tăng sức cạnh tranh trước hàng nhập khẩu.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Triển vọng tăng trưởng ngành phân bón trong nước và quốc tế
Ngành phân bón Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc. Năm 2024, giá trị thị trường ước đạt 3,44 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình (CAGR) 3,38%/năm, dự báo sẽ đạt 4,2 tỷ USD vào năm 2030. Động lực chính đến từ nhu cầu ngày càng lớn về lương thực khi dân số thế giới dự kiến vượt 10 tỷ người vào năm 2050. Điều này thúc đẩy tăng trưởng ngành phân bón toàn cầu, đặc biệt là các loại phân như urê và NPK, vốn ghi nhận mức tăng sản lượng lần lượt 8% và 13,3% trong năm 2024.
Trong bối cảnh đó, các chính sách của Việt Nam như khuyến khích nông nghiệp bền vững, mở rộng canh tác định hướng xuất khẩu đã đóng vai trò thiết yếu. Tuy nhiên, áp lực từ việc chuyển đổi sang phân bón hữu cơ để đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững cũng đang gia tăng, dù loại phân này hiện có hiệu suất thấp hơn so với phân hóa học.
Hiệu ứng kép từ chính sách thuế VAT mới
Theo TPS Research, Luật Thuế VAT sửa đổi mang lại hai lợi ích nổi bật. Thứ nhất, việc được khấu trừ thuế đầu vào giúp giảm giá vốn hàng bán, cải thiện biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp sản xuất. Thứ hai, tính cạnh tranh của phân bón nội địa tăng lên, đặc biệt trước các sản phẩm nhập khẩu vốn được hưởng thuế suất 0% trước đây.
Dù có triển vọng tích cực, ngành phân bón vẫn đối mặt với không ít thách thức. Biến đổi khí hậu , xung đột địa chính trị và xu hướng sử dụng phân bón hữu cơ đang tạo áp lực lớn. Chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc là một ví dụ điển hình, ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung toàn cầu. Tại Việt Nam, nhập khẩu phân kali vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nước ngoài, khiến nguồn cung chịu tác động mạnh bởi biến động giá cả và chính sách quốc tế.
Mặt khác, các khoản đầu tư mới vào công nghệ và mở rộng công suất sản xuất, như công suất sản xuất axit photphoric tăng 10% toàn cầu từ 2023-2028, sẽ là cơ hội để ngành phân bón Việt Nam đón đầu làn sóng tăng trưởng mới.
TPS Research dự báo, với sự hỗ trợ của Luật Thuế VAT mới, các doanh nghiệp trong ngành có thể gia tăng biên lợi nhuận từ 10-15% hiện tại lên mức cao hơn, nhờ vào hiệu quả từ việc giảm giá vốn. Điều này đồng thời cải thiện sức cạnh tranh và khả năng xuất khẩu, giúp ngành đạt được mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng công nghệ hiện đại.
>> Ngành hàng tiêu dùng hứa hẹn bùng nổ trong năm 2025: Xu hướng nào dẫn đầu? 
Thay đổi chính sách thuế VAT: ‘Ván bài’ tăng trưởng mới cho ngành phân bón Việt Nam 
Giá dầu và than giảm sâu: Ngành phân bón hưởng lợi từ chi phí đến biên lợi nhuận