Ngành phân bón nửa đầu năm: Vì đâu doanh nghiệp bốc hơi lợi nhuận, cổ phiếu vẫn "phi"?
Giá phân bón giảm sâu nửa đầu năm, tuy vậy vẫn có doanh nghiệp báo lãi tăng so với cùng kỳ, giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp vẫn "phi" mạnh.
Kết quả kinh doanh trái chiều của doanh nghiệp ngành phân bón
Từ quý 4/2022, giá các loại phân bón bắt đầu đảo chiều giảm do chi phí sản xuất giảm (than và khí tự nhiên hạ nhiệt). Đặc biệt là Trung Quốc mở cửa trở lại khiến nguồn cung phân bón toàn cầu tăng trong khi nhu cầu sử dụng yếu đã khiến giá phân bón giảm mạnh, thiết lập mặt bằng giá ngày càng thấp trên toàn thế giới.
Giá phân Ure giảm mạnh nhất trong tất cả các mặt hàng phân bón, từ mức lập đỉnh 925 USD/tấn FOB trong tháng 4/2022 xuống dưới 300 USD/tấn FOB vào tháng 6/2023, tương ứng giảm đến 70%.
Không chỉ bất lợi về giá, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp phân bón cũng không mấy khởi sắc. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023 cả nước xuất khẩu 800.372 tấn phân bón các loại, tương đương 335,78 triệu USD, giá trung bình 419,5 USD/tấn, giảm 19,8% về khối lượng, và giảm 35,2% về giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong bối cảnh đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhóm phân bón vẫn có sự trái chiều. Quý 2/2023 nhìn chung các doanh nghiệp đều ghi nhận lợi nhuận giảm sút, như Đạm Phú Mỹ (DPM) và DAP Vinachem (DDV) bị thổi bay gần hết lợi nhuận, hay như Đạm Hà Bắc (DHB) lỗ nặng. Tuy vậy ở chiều ngược lại, vẫn có doanh nghiệp lại báo lãi tăng trưởng như Hóa chất Lâm Thao (LAS).
Theo chân hai ông lớn Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, DAP-Vinachem cũng báo lợi nhuận quý 2 giảm sâu, chỉ ghi nhận vỏn vẹn 885 triệu đồng, giảm tới 99% so với cùng kỳ 2022. Phân bón Bình Điền (mã chứng khoán BFC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 ở mức 66 tỷ đồng, giảm thấp nhất ở mức 12% so với cùng kỳ năm trước và cũng đã phục hồi khá tốt so với khoản lỗ 40 tỷ đồng trong quý 1/2023.
Đáng chú ý, ông lớn Đạm Hà Bắc l à doanh nghiệp duy nhất trong ngành báo lỗ trong quý vừa qua. Lũy kế 6 tháng, DHB đạt doanh thu 2.086 tỷ đồng doanh thu, sụt giảm 41%; lỗ sau thuế gần 480 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 1.346 tỷ đồng).
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, LAS ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.081 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận trước thuế 82 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và đã hoàn thành 69% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.
Cổ phiếu ngành phân bón phục hồi
Sau 1 nhịp giảm dài hạn từ cuối năm 2022, đến tháng 7/2023 giá phân ure đã có sự hồi phục mạnh, tăng 60% kể từ vùng đáy giữa tháng 6 nhờ những yếu tố hỗ trợ sau: (1) Chính phủ Ai Cập quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất ure tại nước này; (2) việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; và (3) nhu cầu vụ mùa mới ở Châu Mỹ Latin và Ấn Độ. Theo BVSC, giá Ure thế giới tăng nhanh hơn giá Ure nội địa, chính vì vậy các doanh nghiệp sản xuất phân bón bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu trong tháng 7.
Trong bối cảnh ngành phân bón có nhiều biến động, nhóm cổ phiếu phân bón: DPM, DCM, BFC, DHB, … đã thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư tạo ra nhịp tăng đáng kể tính từ giữa quý 2/2023 dù kết quả kinh doanh còn trái chiều.
Nổi bật là cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau với mức tăng 42% trong vòng hơn 3 tháng, và hiện đang giao dịch quanh vùng đỉnh từ đầu năm đến nay. Thanh khoản tăng ổn định, bình quân trên 4 triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Khối ngoại cũng đang tích cực giao dịch cổ phiếu DCM.
Một số cổ phiếu khác của ngành phân bón hiện cũng đang giao dịch quanh vùng đỉnh từ đầu năm như cổ phiếu BFC của Phân bón Bình Điền - tăng tới 33% so với thời điểm đầu năm; cổ phiếu LAS của Hóa chất Lâm Thao tăng tới 71%
Cổ phiếu DPM đã tăng mạnh mẽ từ cuối tháng 5/2023 đến nay với tỷ lệ tăng 27%. DPM cũng đang dần trở về vùng đỉnh của năm 2023 thiết lập hồi đầu năm.
Cổ phiếu DDV của DAP-Vinachem tăng 40% so với thời điểm đầu năm. Còn DHB của Đạm Hà Bắc cũng đã có sự tăng nhẹ 1 tháng trở lại đây, tương ứng tăng 13%, tuy nhiên thanh khoản giao dịch vẫn khá thấp.