Theo Bộ Tài chính, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là khoảng 144.500 tỷ đồng. Sang năm 2023 - 2024 con số này lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng.
Cập nhật từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9/2022, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng - tăng 199% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng - tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.
Một số đợt mua trái phiếu với giá trị cao thời gian qua như: CTCP An Phát Finance tất toán trước hạn toàn bộ 7 lô trái phiếu có tổng giá trị 570 tỷ đồng; Công ty Intimex Việt Nam cũng mua lại trước hạn gói 2.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ đáo hạn vào tháng 9/2027.
Nhóm các công ty năng lượng thuộc Tập đoàn Trung Nam cũng chi ra hàng trăm tỷ đồng để mua lại từng phần các lô trái phiếu trước hạn. CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (Mã CII) thanh toán 2.800 tỷ đồng trái phiếu dù chưa đến hạn (dự kiến thực hiện từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2023).
Sang đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp mua lại trái phiếu trước hạn. Ngày 3/10, CTCP Cơ điện lạnh (Mã REE) thông báo đã mua lại tổng cộng 250 tỷ đồng trái phiếu và hoàn tất hết nợ đối với hai lô trái phiếu (REEBOND2017-01, REEBOND2017-02).
Ngày 4/10 vừa qua, HĐQT CTCP Chứng khoán VIX (Mã VIX) thông báo mua lại trước hạn toàn bộ 200 tỷ đồng trái phiếu VIX phát hành (mã VIXH2124002) ngày 4/10/2021.
Trước đó, ngày 10/6, Chứng khoán VIX cũng đã hoàn tất mua lại trước hạn toàn bộ 3.000 trái phiếu mã VIXH2124001 với tổng giá trị là 300 tỷ đồng.
Như vậy, sau 1 năm phát hành, Chứng khoán VIX sẽ mua lại toàn bộ trái phiếu phát hành trong năm 2021.
Một phần nguyên nhân này có thể bắt nguồn từ việc Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được ban hành. Theo đó, Nghị định mới yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, trong đó bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Trước và sau khi phát hành, doanh nghiệp phải có công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố. Bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm…
Trong khi đó, theo đánh giá của Fiingroup, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn xuất phát từ các chính sách pháp lý kiểm soát nguồn vốn khiến nhiều doanh nghiệp khó triển khai tiếp dự án. Thời gian quay vòng vốn bị kéo dài khiến các doanh nghiệp phải tăng cường mua lại trái phiếu kỳ hạn ngắn để đảm bảo khả năng thanh toán nợ.
Liên quan đến nội dung này, theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn là khoảng 144.500 tỷ đồng. Năm 2023 và năm 2024 con số này lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng. Những con số trên dẫn đến nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao.
Trước đó, trong một báo cáo gửi lên Chính phủ hồi cuối tháng 7/2022, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn khoảng 144.500 tỷ đồng. Con số này của năm 2023 và năm 2024 lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng. Theo đó, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ trong vòng 3 năm tiếp theo lên tới 745.400 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, với giá trị mua lại trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 142.209 tỷ đồng như trên, áp lực thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn đã giảm đi đáng kể.
Nhiều dự án của Vạn Thịnh Phát vào "tầm ngắm" Thanh tra Chính phủ 
Ngân hàng: Đầu tàu dẫn dắt thị trường trái phiếu năm 2024 
Kho bạc Nhà nước đã gọi thầu 12.000 tỷ đồng trái phiếu trong 1 ngày