Ngôi chùa 800 tuổi ở Phú Thọ được xây từ thời Lý – Trần, có Bảo vật Quốc gia ‘độc nhất vô nhị’
Ngôi chùa không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động tôn giáo của người dân địa phương mà còn mang giá trị lịch sử to lớn.
Trưa 23/10, chùa Phổ Quang  (Lâm Thao, Phú Thọ) bất ngờ bốc cháy. Theo Vnexpress đưa tin, vào khoảng 10h50, khói lửa bốc ra từ Ban Tam Bảo của tòa chính điện. Chỉ ít phút sau, ngọn lửa đã nuốt chửng toàn bộ tòa chính điện. Hàng trăm người dân nỗ lực dập lửa nhưng bất thành.
Sau đó, 5 xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ đã tham gia dập lửa. Đến 12h, ngọn lửa cuối cùng cũng được kiểm soát nhưng tòa chính điện gần như bị thiêu rụi. Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng hỏa hoạn đã khiến hệ thống tượng trong tòa chính điện bị hư hại nghiêm trọng.
Chùa Phổ Quang còn gọi là chùa Xuân Lũng, được xây dựng dưới thời Lý - Trần, với tuổi đời hơn 800 năm. Quần thể chùa gồm các công trình như Tam quan, Gác chuông, nhà văn chỉ, nhà bia, và nhà Tổ. Trong đó, Tam quan – Gác chuông có kiến trúc cổ với mái chồng diêm 2 tầng 8 mái, đao cong thanh thoát, bờ nóc đắp hình Long cuốn thủy.
Chùa Phổ Quang được thiết kế theo kiểu chữ "Công", lợp ngói, có hai cấp chùa. Chùa cấp trên cao 10m, dài 7m, gồm 3 gian, với một cửa từ nhà Tổ lên chùa. Chùa cấp dưới có kích thước 16m x 13,5m, gồm 5 gian. Các cột đá kết hợp giữa loại vuông và bát giác, trang trí gần giống như lá đề. Giữa chùa có bức đại tự và hai câu đối.
Tòa tam bảo của chùa bao gồm Bái đường, Thiêu hương, và Chính điện, với khung kết cấu gỗ kiểu “Thượng giá chiêng, chồng rường – hạ kẻ”. Chùa Phổ Quang còn lưu giữ hơn 30 pho tượng bằng gỗ và thổ.
Một trong những tác phẩm nghệ thuật đáng chú ý nhất của chùa là bàn thờ Phật hoa sen, được ghép từ 71 phiến đá xanh trạm trổ công phu, đặt ở giữa chùa cấp trên, đỡ ba tòa tam thế. Bệ đá hoa sen hình chữ nhật, cao 1,05m, rộng 1,25m, dài 3,30m, với cánh sen được cách điệu
Bệ đá hoa sen còn có các họa tiết như cá lượn, sư tử vờn, và hươu cặp cành hoa hải đường nở... tạo nên một bức tranh sinh động về cuộc sống trần thế. Bốn góc bệ có bốn linh điểu vững chãi, mặt hình nhân, với các họa tiết tinh tế như chữ “Vương” và những hoa văn thắt.
Bàn thờ Phật bằng đá được cấu tạo thành 5 tầng:
Tầng đầu tiên là chân đế, được làm từ 13 phiến đá, mang hình dáng như một chiếc sập chân quỳ dạ cá đôi. Mỗi bông hoa trên chân đế có hai đài hoa mềm mại, bốn góc mặt sau là hoa văn dạng mây cụm. Phía trước và hai bên được khắc họa hình ảnh hoa cúc rất tinh xảo.
Tầng thứ hai cũng được ghép từ 13 phiến đá, với phần diềm được trang trí hoa văn cánh sen ở cả bốn mặt. Các họa tiết trang trí ở mặt trước thể hiện nhiều chủ đề phong phú, nổi bật là hình tượng cá hóa rồng. Nửa thân sau của cá có hình đuôi cá, trong khi nửa thân trước chuyển thành hình rồng. Đặc biệt. rồng có vây ở lưng nhưng không có ở thân, đầu rồng mang bờm và miệng ngậm ngọc. Những hình ảnh khác bao gồm sư tử hí cầu và sư tử vờn hoa hải đường.
Tầng thứ ba cũng được ghép từ 13 phiến đá, với bốn góc có hình tượng Kim Sí Điểu (chim thần) trong tư thế bụng, mông và chân tì xuống, hai cánh xòe ra. Hình tượng này biểu trưng cho ánh sáng, dũng khí và ý chí kiên định, giúp bảo vệ chúng sinh khỏi tà ma.
Tầng thứ tư được tạo thành từ 10 phiến đá, với diềm trang trí hình cánh sen úp ở cả bốn mặt.
Cuối cùng, tầng cao nhất được xây dựng từ 9 phiến đá. Bốn phía của bàn thờ được trang trí bằng ba lớp cánh sen kép sống động, tạo cảm giác như hoa sen đang nở rộ. Mỗi lớp có 40 cánh, được điểm xuyết hoa văn chấm tròn, tượng trưng cho bốn phương và tám hướng trong đạo Phật. Bề mặt tầng này được mài nhám, hơi võng giữa, với bốn góc vươn nhẹ lên, tạo nên điểm khác biệt so với các bàn thờ thông thường.
Ngày 25/12/2021, bàn thờ Phật bằng đá được công nhận là Bảo vật Quốc gia  theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg của Chính phủ.
Kể từ khi xây dựng, chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa, trong đó hai lần lớn nhất vào năm 1626 và tháng 4/2021. Năm 1980, chùa được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia vì những giá trị kiến trúc và hoa văn chạm khắc tinh xảo.
Chùa Phổ Quang tổ chức bốn ngày lễ chính: Rằm tháng Giêng, ngày 8/4 (lễ tắm Phật), Rằm tháng 7 (lễ xá tội vong nhân), và ngày 8/12 âm lịch. Ngôi chùa không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động tôn giáo của người dân địa phương mà còn mang giá trị lịch sử to lớn, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử  Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1980.
* Tổng hợp