Ngôi chùa được đúc từ 70 tấn đồng xác lập nhiều kỷ lục nhất Việt Nam, ‘bông sen vàng’ tọa lạc trên đỉnh núi thiêng hơn 1.000m
Hiện nay, ngôi chùa cổ kính, linh thiêng này đang nắm giữ rất nhiều những kỷ lục và chưa có một ngôi chùa Việt Nam nào có thể “vượt mặt”...
“Kỳ quan” trên đỉnh Yên Tử
Chùa Đồng  còn được gọi là Thiên Trúc Tự (chùa cõi Tây Phương Thiên Trúc), nằm trên đỉnh núi Yên Tử  ở độ cao 1.068m. Đây là một trong những ngôi chùa  tọa lạc ở vị trí cao nhất Việt Nam.
Ban đầu, chùa Đồng được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII) bởi một bà phi của chúa Trịnh. Khác với những ngôi chùa truyền thống được làm từ gỗ lim, chùa Đồng được đúc hoàn toàn bằng đồng, tạo nên sự đặc biệt và hiếm có trong kiến trúc chùa Việt Nam lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, thời kỳ đầu, chùa chỉ là một khám nhỏ bằng đồng, có kích thước vô cùng khiêm tốn, thậm chí một người cũng khó có thể lọt vào bên trong. Theo ghi chép, đến năm Canh Thân 1740, dưới triều vua Lê Cảnh Hưng, một trận bão lớn đã làm hư hại mái chùa. Sau đó, những phần còn lại cũng bị kẻ gian tháo dỡ, để lại dấu tích chỉ còn các hố cột in dấu trên mỏm đá.
Năm 1930, bà Bùi Thị Mỹ, thủ tự (người giữ chùa) chùa Long Hoa đã phát tâm xây dựng lại chùa Đồng bằng bê tông cốt thép trên một hòn đá vuông, đúng vị trí của chùa cũ.
Năm 2006, dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Phật học - Thượng tọa Thích Thanh Quyết và Ban Quản lý dự án chùa Đồng, công trình chính thức được đúc lại theo thiết kế của kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn (Viện Bảo tồn Di tích). Công trình khánh thành ngày 30/1/2007, tọa lạc giữa hai nền chùa cũ trước đây.
Sau khi hoàn thành, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã công nhận chùa Đồng là ngôi chùa bằng đồng lớn nhất và tọa lạc ở độ cao nhất Việt Nam. Không chỉ vậy, đây còn được xem là công trình độc đáo có một không hai trên thế giới, được mệnh danh là "kỳ quan mới" của danh thắng Yên Tử.
Hiện nay, chùa Đồng vẫn giữ nhiều kỷ lục, trở thành một điểm hành hương linh thiêng thu hút đông đảo Phật tử và du khách thập phương.
Những kiến trúc có một không hai
Toàn bộ chùa Đồng gồm chùa, tượng Phật, chuông nặng hơn 70 tấn, được đúc bằng đồng nguyên chất, với khoảng hơn 4.000 cấu kiện, cấu kiện nặng nhất có trọng lượng 1,4 tấn, được lắp đặt trực tiếp trên đỉnh núi. Trong đó, mỗi viên ngói nặng khoảng 4kg, 4 cột chùa mỗi cột nặng 1 tấn. Quả chuông và khánh đồng nặng trên 250kg.
Do vị trí cheo leo, đỉnh núi quanh năm mây mờ che phủ nên chùa được thiết kế đặc biệt với những phương pháp tối ưu nhất để chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Các hạng mục công trình khác như bậc đá lên xuống, lan can, sân hành lễ, lầu hóa vàng, nhà ghi công đức cũng được tôn tạo, mở rộng.
Chùa được thiết kế với hình dáng như một bông sen khổng lồ đang nở rộ trên đỉnh núi. Địa thế chùa rất hiểm trở, với phía Đông là triền đá dốc, phía Tây là vách núi dựng đứng, lối đi lên chùa hẹp và cheo leo.
Chùa Đồng quay về hướng Tây Nam, có kiến trúc hình chữ "nhất", một gian hai chái, mang dáng vẻ bông sen nở rộ. Diện tích chùa khoảng 20m2, chiều cao từ nền đến nóc 3,35m, toàn bộ chùa được chế tác hoàn toàn từ đồng. Các họa tiết trang trí mang phong cách thời Trần, tạo nên vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa trang nghiêm.
Trước đây, để lên được chùa Đồng, du khách phải leo bộ hơn 6km, vượt qua hàng nghìn bậc đá và những cung đường rừng núi hiểm trở. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Ban Quản lý Khu danh thắng Yên Tử đã đưa vào sử dụng hệ thống cáp treo, giúp du khách dễ dàng tiếp cận với ngôi chùa linh thiêng này.
360 ngày thi công đầy thách thức
Không điện, không cáp treo, không nước sinh hoạt, ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, đây là những thách thức mà những người thợ thi công chùa Đồng phải đối mặt.
Ban đầu, chùa chỉ có một khoảnh đất rộng 2m2, nhưng sau nhiều nỗ lực, những người thợ đã tạo ra một mặt bằng rộng 19m2 để làm nền móng. Nền đá cứng bị phong hóa lâu năm khiến việc khoan đục vô cùng khó khăn. Do điều kiện hạn chế, phần lớn công việc đập đá phải làm bằng tay thay vì sử dụng máy khoan.
Vật liệu xây dựng như gạch, đá, cát, xi măng… để thi công các hạng mục như sân hành lễ, nhà ghi công đức, am hóa sớ, móng và sân chùa đều được vận chuyển thủ công theo đường bộ. Lực lượng lao động địa phương thạo đường núi phải gùi vật liệu từ chân núi lên tận đỉnh núi. Những lúc thi công cao điểm, có tới 80-90 người gánh thuê với mức tiền công là 3.000 đồng/kg.
Quá trình vận chuyển chùa lên đỉnh núi cũng là một bài toán nan giải. Các phương án dùng cáp treo, ròng rọc, thậm chí máy bay trực thăng đã được xem xét. Cuối cùng, phương án dùng hệ thống dây cáp ròng rọc do Công ty TNHH Trường Thịnh (TP. HCM) thiết kế được lựa chọn. "Bông sen vàng trên đỉnh núi thiêng" nặng hơn 70 tấn trở thành một kỷ lục về độ phức tạp trong thi công.
Sau gần một năm thi công liên tục, chùa Đồng chính thức khánh thành vào ngày 30/1/2007 với tổng kinh phí hơn 21,2 tỷ đồng, hoàn toàn từ nguồn vốn xã hội hóa.
Ngày 26/2/2007, trong lễ hội Xuân Yên Tử, hàng vạn Phật tử và du khách hân hoan chiêm bái chùa Đồng. Ngày khai hội đã ghi nhận lượng khách kỷ lục lên đến 70.000 lượt, con số kỷ lục so với trước đó. Từ đó đến nay, số lượng du khách hành hương về Yên Tử mỗi năm đều tăng cao.
Cầu tài lộc, bình an tại những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng nhất nhì miền Bắc dịp đầu năm