Xã hội

Ngôi chùa Phật giáo rộng gần 5.000m2 với nhiều tượng rắn, nằm ngay giữa lòng TP. HCM

Anh Khoa 24/01/2025 23:00

Chùa nổi bật với hình tượng rắn Naga, một biểu tượng quan trọng trong văn hóa Khmer.

Chùa Chantarangsay còn được gọi là chùa Candaransi, tọa lạc tại Quận 3, TP. HCM, là ngôi chùa Phật giáo Nam Tông Khmer đầu tiên được xây dựng tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa.

Lịch sử hình thành ngôi chùa bắt đầu vào năm 1946, khi cố Hòa thượng Lâm Em trong chuyến đi tìm đất xây dựng chùa Khmer đầu tiên ở Sài Gòn - Gia Định đã dừng chân tại một khu đất bãi bồi lầy lội ven bờ kênh Nhiêu Lộc. Chính tại đây, ngôi chùa mang tên Chantarangsay, nghĩa là “Ánh trăng” trong tiếng Khmer được ra đời. Ngôi chùa đã trở thành nơi tu hành của các sư tăng Nam Tông Khmer, đồng thời là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa của cộng đồng người Khmer tại TP. HCM suốt hơn 70 năm qua.

Ngôi chùa Phật giáo rộng gần 5.000m2 với nhiều tượng rắn, nằm ngay giữa lòng TP. HCM - ảnh 1
Kiến trúc mái ngôi chính điện. Ảnh: Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ

Trong quần thể kiến trúc rộng khoảng 4.500m2 của chùa Chantarangsay, ngôi chính điện là điểm nhấn nổi bật, được xây dựng theo hướng chính Đông. Hướng này không chỉ là hướng của Mặt Trời mà còn là hướng tượng trưng cho đức Phật thành đạo trong đêm Rằm tháng Vesak.

Chính điện được xây dựng theo kiểu vượt cấp, với nền cao hơn so với các công trình khác trong khuôn viên, nhằm biểu trưng cho ngọn núi Meru thiêng liêng trong thần thoại Ấn Độ. Kiến trúc và các hoa văn trang trí của chính điện thể hiện sự giao thoa đặc sắc giữa Phật giáo, Bà-la-môn giáo và văn hóa dân gian của người Khmer Nam Bộ.

Ngôi chùa Phật giáo rộng gần 5.000m2 với nhiều tượng rắn, nằm ngay giữa lòng TP. HCM - ảnh 2
Mặt trước ngôi chính điện với bức tranh khắc nổi tích truyện Phật giáo về năm anh em là năm vị Phật. Ảnh: Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ

Một trong những điểm đặc biệt của chính điện là bức tranh khắc nổi, miêu tả tích truyện Phật giáo về năm anh em, tượng trưng cho năm vị Phật. Theo Phật giáo Nam Tông Khmer, trong suốt thời gian dài của vũ trụ, chỉ có năm vị Phật xuất hiện. Bốn trong số đó đã thành Phật, trong khi vị thứ năm, Phật Di Lặc, sẽ thành Phật trong tương lai.

Ngôi chùa Phật giáo rộng gần 5.000m2 với nhiều tượng rắn, nằm ngay giữa lòng TP. HCM - ảnh 3
Hình tượng rắn Naga gắn liền với những ngôi chùa của người Khmer. Ảnh: Báo Phụ Nữ

Chùa Chantarangsay cũng nổi bật với hình tượng rắn Naga, một biểu tượng quan trọng trong văn hóa Khmer. Cầu thang dẫn lên chính điện được thiết kế với hình ảnh rắn Naga, tượng rắn Naga nhiều đầu xuất hiện ở nhiều nơi trong khuôn viên chùa. Rắn Naga được xem là chiếc cầu nối giữa thế giới con người và thế giới tâm linh. Đặc biệt, hình ảnh rắn Naga với năm đầu – một biểu tượng phổ biến trong các chùa Khmer ở Nam Bộ được khắc họa ở nhiều vị trí, từ mái chùa, cửa sổ cho đến các điểm trang trí khác, mang đến một không gian tôn nghiêm và linh thiêng.

Ngôi chùa Phật giáo rộng gần 5.000m2 với nhiều tượng rắn, nằm ngay giữa lòng TP. HCM - ảnh 4
Không gian chính điện với trần và các vách được trang trí bằng những bức tranh minh họa cuộc đời Phật Thích Ca. Ảnh: Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ

Chùa đã trải qua 7 lần trùng tu, cổng chùa hiện được xây dựng bằng xi măng, với cấu trúc chân đế hình hộp, gồm 4 cột trụ vững chắc nâng đỡ mái bằng. Trên đỉnh mỗi cột là tượng cầy-no, biểu tượng cho sắc đẹp và sức mạnh. Trên mái chùa là ngọn tháp tứ giác cao chín tầng, với tầng trên cùng là bình nước Cam lồ. Mỗi góc tháp có hình đuôi rồng uốn cao, tượng trưng cho sự oai nghiêm và sức mạnh của Phật pháp.

Ngôi chùa Phật giáo rộng gần 5.000m2 với nhiều tượng rắn, nằm ngay giữa lòng TP. HCM - ảnh 5
Các công trình bên trong chùa được sơn màu vàng chủ đạo, tạo ra một cảm giác yên bình giữa phố thị náo nhiệt. Ảnh: Báo Phụ Nữ

Ngoài ra, chùa còn có một số công trình kiến trúc đặc biệt khác như Sala (nhà tăng) hai tầng. Tầng trệt là nơi tổ chức các buổi lễ, còn tầng trên là không gian dành cho việc giảng dạy. Trong Sala, có bàn thờ Đức Phật Thích Ca và các vị cố Hòa thượng trụ trì chùa. Tháp đựng cốt có hình vuông, gồm 2 tầng.

Ngoài các nhà sư, chùa còn là nơi cư trú của nhiều tu sĩ Khmer khi họ đến thành phố. Những ngày lễ lớn như Tết Chôl Chnam Thmây, Lễ Phật Đản, Lễ Ok Om Bok,… thường được tổ chức tại chùa, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

>> Ngôi chùa tọa lạc ở độ cao 600m trên ‘nóc nhà’ miền Tây, được mệnh danh là ‘viên ngọc tâm linh’ giữa lòng Thất Sơn

Chiêm ngưỡng ngôi chùa dát vàng có nguồn gốc hàng nghìn năm, nằm giữa lòng hồ ở thành phố di sản

Ngôi chùa đặc biệt nằm trong hang động núi đá đẹp bậc nhất Việt Nam, lưu giữ tấm bia bằng chữ Nôm duy nhất trên địa bàn tỉnh, được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/ngoi-chua-phat-giao-rong-gan-5000m2-voi-nhieu-tuong-ran-nam-ngay-giua-long-tp-hcm-135437.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ngôi chùa Phật giáo rộng gần 5.000m2 với nhiều tượng rắn, nằm ngay giữa lòng TP. HCM
    POWERED BY ONECMS & INTECH