Xã hội

Ngôi chùa tọa lạc ở độ cao 600m trên ‘nóc nhà’ miền Tây, được mệnh danh là ‘viên ngọc tâm linh’ giữa lòng Thất Sơn

Khả Vy 18/12/2024 07:26

Khuôn viên chùa nổi bật với Bảo tháp Quan Âm kiến trúc 7 tầng, mỗi tầng thờ một vị Bồ Tát khác nhau.

Chùa Vạn Linh là ngôi chùa nổi tiếng, nằm trên núi Cấm (thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), một trong những địa danh linh thiêng và hấp dẫn bậc nhất của vùng Thất Sơn. Với kiến trúc độc đáo và khung cảnh hùng vĩ giữa núi rừng, chùa Vạn Linh không chỉ là nơi chiêm bái tâm linh mà còn là điểm đến thu hút du khách yêu thích sự thanh tịnh và vẻ đẹp thiên nhiên.

Ngôi chùa tọa lạc ở độ cao 600m trên ‘nóc nhà’ miền Tây, được mệnh danh là ‘viên ngọc tâm linh’ giữa lòng Thất Sơn - ảnh 1
Khu du lịch Núi Cấm. Ảnh: Thám Hiểm Mekong

Trước đây, chùa Vạn Linh còn được gọi là chùa Lá, bởi ban đầu chỉ là một am nhỏ đơn sơ được dựng bằng cây và lợp tranh. Chùa được khai sơn vào năm 1927, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40, do Hòa thượng Thích Thiện Quang, đệ tử của Hòa thượng Viện chủ tổ đình Phi Lai Thích Chí Thiền sáng lập.

Nhờ vào lòng đức độ và tài năng chữa bệnh của Hòa thượng Thích Thiện Quang, tiếng lành về ngôi am dần lan xa, thu hút ngày càng nhiều Phật tử và người dân từ khắp nơi tìm đến.

Đến năm 1941, am Lá được trùng tu và chính thức trở thành chùa Lá – Vạn Linh. Tuy nhiên, đến ngày 26 tháng 11 năm Quý Tỵ (1953), Hòa thượng Thích Thiện Quang viên tịch. Trong những năm chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngôi chùa bị bom đạn tàn phá nặng nề. Mãi đến năm 1976, chùa mới được trùng tu.

Ngôi chùa tọa lạc ở độ cao 600m trên ‘nóc nhà’ miền Tây, được mệnh danh là ‘viên ngọc tâm linh’ giữa lòng Thất Sơn - ảnh 2
Lưng tựa vào trên sườn đồi Bồ Hong , mặt hướng Hồ Thủy Liêm. Ảnh: Thám Hiểm Mekong

Đến năm 1994, Hòa thượng Thích Trí Tịnh (đệ tử của Hòa thượng Thích Thiện Quang), khi đó là Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã quyết định xây dựng lại chùa Vạn Linh trên diện tích khoảng 6ha tại độ cao 600m trên núi Cấm.

Công trình được Thượng tọa Thích Hoằng Tri trực tiếp giám sát và xây dựng với nhiều hạng mục quan trọng như: Chính điện, Nhà Tổ, Bảo tháp, Trai đường, Lầu chuông, Tháp Tổ, cùng các công trình phụ trợ khác.

Ngôi chùa tọa lạc ở độ cao 600m trên ‘nóc nhà’ miền Tây, được mệnh danh là ‘viên ngọc tâm linh’ giữa lòng Thất Sơn - ảnh 3
Chùa Vạn Linh còn có tên gọi khác là chùa Lá. Ảnh: Thám Hiểm Mekong

Chùa Vạn Linh sở hữu vị thế vô cùng đặc biệt khi lưng tựa vào sườn đồi Bồ Hong – đỉnh cao nhất của núi Cấm với độ cao 716m, và mặt hướng về hồ Thủy Liêm thơ mộng. Khuôn viên chùa được trồng nhiều hoa và cây cảnh, tạo nên không gian thoáng đãng, vững chãi, uy nghi nhưng vẫn hài hòa và gần gũi với thiên nhiên núi rừng.

Phần chính điện là nơi an vị các tượng Phật được sơn son thếp vàng lộng lẫy, nổi bật trong khung cảnh trang nghiêm, trầm mặc và thoát tục, tạo ấn tượng thẩm mỹ mạnh mẽ giữa không gian u tịch của núi rừng.

Ngôi chùa tọa lạc ở độ cao 600m trên ‘nóc nhà’ miền Tây, được mệnh danh là ‘viên ngọc tâm linh’ giữa lòng Thất Sơn - ảnh 4
Chính điện thờ Đức Phật Thích Ca. Ảnh: Thám Hiểm Mekong

Chính giữa điện Phật là bảo tượng Đức Phật Thích Ca trong tư thế thiền định, được tạc từ đá nguyên khối, nặng 2 tấn, do nghệ nhân Hoàng Hữu chế tác vào năm 1997. Việc vận chuyển pho tượng lên núi trong giai đoạn khó khăn khi chỉ có đường rừng đã thể hiện sự kiên trì và sáng tạo của nhà chùa lúc bấy giờ.

Hai bên tượng Đức Phật là hai phù điêu bằng đá Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng, do Phật tử Diệu Nghĩa (Úc) cúng dường vào năm 1996. Phía trước điện Phật còn tôn trí hai phù điêu bằng đá của Hộ Pháp và Tiêu Diện, tạo thêm sự trang nghiêm và linh thiêng cho không gian thờ tự. Phía sau điện chính, tại hậu điện, phù điêu bằng đá Tổ sư Đạt Ma được tôn trí, hoàn thiện thêm vẻ đẹp kiến trúc và tâm linh độc đáo của chùa Vạn Linh.

Khuôn viên chùa nổi bật với Bảo tháp Quan Âm kiến trúc 7 tầng, mỗi tầng thờ một vị Bồ Tát khác nhau, thể hiện sự tôn kính và tâm linh sâu sắc. Ngoài ra, còn có tháp Hòa thượng khai sơn Thích Thiện Quang với kiến trúc 3 tầng trang nghiêm và tháp chuông hình bát giác cao 2 tầng độc đáo.

Ngôi chùa tọa lạc ở độ cao 600m trên ‘nóc nhà’ miền Tây, được mệnh danh là ‘viên ngọc tâm linh’ giữa lòng Thất Sơn - ảnh 5
Bảo tháp Quan Âm với 7 tầng tháp thờ 7 vị Bồ Tát khác nhau. Ảnh: Henry Dương

Bên trong tháp chuông, tầng trên tôn trí tượng Đức Phật A Di Đà đầy uy nghiêm, trong khi tầng trệt đặt tượng Bồ Tát Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, được tạc từ đá nguyên khối tinh xảo, tạo nên vẻ đẹp vừa thanh tịnh vừa kỳ vĩ cho ngôi chùa.

Ngày nay, chùa Vạn Linh không chỉ là chốn tâm linh linh thiêng mà còn là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo giữa khung cảnh núi non hùng vĩ, thu hút đông đảo Phật tử và du khách thập phương.

>> Ngôi chùa xây bằng gỗ lớn nhất miền Tây nằm trong khu đất 66.000m2, có hàng chục tượng Phật bằng gỗ quý

Ngôi chùa cổ hơn 700 năm tuổi giữa lòng sông, hứng chịu vô số trận đại hồng thủy vẫn đứng vững vàng, được công nhận Di sản văn hóa trọng điểm

Nâng cấp ngôi chùa biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, hứa hẹn trở thành điểm tham quan hấp dẫn

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/ngoi-chua-toa-lac-o-do-cao-600m-tren-noc-nha-mien-tay-duoc-menh-danh-la-vien-ngoc-tam-linh-giua-long-that-son-132540.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ngôi chùa tọa lạc ở độ cao 600m trên ‘nóc nhà’ miền Tây, được mệnh danh là ‘viên ngọc tâm linh’ giữa lòng Thất Sơn
    POWERED BY ONECMS & INTECH