Ngôi chùa được ví như miền cổ tích, bên trong có một 'báu vật sống' hơn 500 năm đang được bảo tồn
Đây là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước khi đặt chân tới mảnh đất gắn liền với lịch sử của Cố đô Hoa Lư.
Chùa cổ Hưng Long hay chùa Gác Chuông có tuổi đời hàng trăm năm, tọa lạc ở làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Sau khi trải qua những biến thiên của lịch sử, chùa đã được xây dựng, khang trang trở lại.
Trải qua hàng trăm năm, gác chuông cũng là cổng tam quan  của chùa vẫn giữ được nét đẹp rêu phong, cổ kính như miền cổ tích.
Đặc biệt, trong khuôn viên ngôi chùa hiện đang có 2 Cây di sản là "báu vật" của nhà chùa và nhân dân địa phương.
Cây bàng cổ thụ ngay bên cổng tam quan chùa Hưng Long có tuổi đời 235 năm. Thân cây to lớn, xù xì, cành cây, tán lá rộng khắp che phủ cả một vùng rộng lớn, rợp bóng mát cho cổng chùa.
Cây bàng cổ thụ này được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2013, khi đó cây có tuổi đời 225 năm. Cây di sản  này gắn với kỷ niệm tuổi thơ không thể xóa nhòa của biết bao thế hệ người dân địa phương.
Hàng trăm năm qua, cây bàng già che bóng mát cho người dân trong làng. Dưới gốc bàng là nơi người dân gặp gỡ để chia sẻ buồn vui sau những ngày lao động mệt nhọc, là nơi đôi lứa hẹn hò. Thân cây bàng to lớn, cành cây vươn khắp phủ một lớn rêu phong. Vào mùa thay lá, màu vàng của lá bàng tô đỏ cả một vùng.
Cây bàng cũng là nơi che chắn bom đạn cho nhân dân thời chiến tranh. Nơi đây cũng tiễn bao thế hệ tuổi trẻ quê hương Ninh Nhất lên đường bảo vệ Tổ quốc thời kháng chiến.
Trong khuôn viên chùa Hưng Long còn có cây thị cổ thụ có tuổi đời gần gấp đôi cây bàng, cũng được công nhận là Cây di sản vào năm 2013. Đến nay cây thị này đã 533 tuổi.
Cây thị được trồng ngay bên cạnh chùa, phía sân trước, trên nền đất ngôi miếu thờ Lục vị cộng đồng. Cây có gốc và đường kính thân cây lớn gần gấp 3 so với cây bàng. Trải qua hơn 500 năm, cây thị di sản trong sân chùa Hưng Long ngày ngày vẫn tươi tốt, thân cây vững chắc, lá xanh tươi, năm nào cũng ra hoa kết trái đem đến sự bình an cho người dân đến vãng cảnh chùa và lễ Phật ở ngôi chùa cổ này. Cành, tán lá của cây thị vươn rộng phủ lên mái chùa tạo nên cảnh đẹp của sự kết hợp hài hòa, như một bức tranh cổ kính vượt mọi thời gian.
Cây thị và cây bàng từ lâu không chỉ là "báu vật " của nhà chùa, mà người dân địa phương cũng luôn trân quý và gìn giữ. Biết bao thế hệ người dân địa phương mỗi lúc đi xa về đều đến nhìn ngắm xem cây bàng, cây thị còn khỏe mạnh không rồi ngồi xuống dưới gốc cây để hồi ức về một thời xa xưa với biết bao kỷ niệm buồn vui dưới gốc cây cổ thụ.
Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), Cây di sản không đơn thuần là những cây cổ thụ, mà còn là những nhân chứng lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc cần được tôn vinh và bảo vệ.
Để được công nhận là cây di sản phải đáp ứng được các tiêu chí như: cây mọc tự nhiên, phải sống trên 200 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 40m, chu vi trên 6m đối với cây gỗ đơn thân còn đối với các cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 25m, chu vi trên 15m), có hình dáng đặc sắc.
Đối với cây trồng, phải sống trên 100 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 30m, chu vi trên 3,5m đối với cây gỗ đơn thân còn với cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 20m, chu vi trên 10m), có hình dáng đặc sắc (ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử).
>> Khám phá ngôi chùa cổ 1.200 năm 'độc nhất vô nhị', không dùng bất cứ chiếc đinh nào để cố định gỗ