Nơi đây đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1993.
Tọa lạc dưới chân núi Ngũ Mã bên bờ sông Lam thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh , đền Củi hay còn được gọi là đền Chợ Củi, có kiến trúc đặc sắc và nổi tiếng về sự linh thiêng , thu hút đông đảo du khách ghé thăm mỗi năm.
Đền Củi còn có tên chữ là Thánh Mẫu Linh từ, được xây dựng vào thời Hậu Lê có cấu trúc theo kiểu chữ Tam gồm các hạng mục tam quan, hạ điện, trung điện và thượng điện. Mặc dù đã trải qua nhiều lần tôn tạo nhưng vẫn giữ lại nét xưa, trang nghiêm thần bí, hài hòa với cảnh quan sông núi.
Tam quan ngôi đền được xây dựng khá uy nghi, nằm ngay bên bờ sông Lam và chính giữa có trụ cao 2,85m xây theo kiểu chồng diêm. Từ tam quan bước lên 12 bậc là đến hạ điện, được bố trí thành các cung thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Ngũ Vị Tôn Ông, cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười, cung Trần Triều.
Tòa thượng điện (hậu cung) là nơi đặt ban thờ Tam tòa Thánh mẫu gồm Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải. Ba vị Thánh Mẫu được đặt ở nơi thâm nghiêm và ngự trị ở nơi cao quý nhất của đền thờ, trong đó Mẫu Liễu Hạnh mặc trang phục màu đỏ, Mẫu Thoải mặc trang phục màu xanh và Mẫu Thượng Ngàn mặc trang phục màu trắng.
Phía bên phải tam phủ còn có cung thờ Nhị vị Chầu Bà – Chầu Thường Ngàn và chầu Thoại. Đây là điểm khác so với các đền thờ Mẫu khác ở các nơi, chỉ có Nhị vị Chầu Bà chứ không có Tự vị Chầu Bà. Duy chỉ có Chầu Mười lại có cung thờ riêng. Ngoài ra bên trái còn có bàn thờ Chư Phật. Tiếp đến là cung thờ Ngũ vị Tôn ông - từ quan Đệ Nhất đến quan Đệ Ngũ, rồi đến cung thờ Quan Hoàng Mười và cung Chầu Mười Tòa. Dưới cùng là cung Trần Triều thờ Đức Thánh Trần tức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Quanh đền Củi còn có hồ bán nguyệt, có khu tản bộ cùng tầm nhìn hướng về dòng sông Lam thơ mộng. Do đó, vào dịp đầu năm, du khách không chỉ đến đây chiêm bái, mong cầu bình an, sung túc mà còn có cơ hội vãn cảnh, chiêm ngưỡng khung cảnh nên thơ của ngôi đền.
Từ ngàn năm qua, đền Củi có tiếng linh thiêng, dân gian truyền rằng người thành tâm thì “cầu gì được nấy”. Vì vậy, không chỉ người dân Hà Tĩnh mà du khách thập phương cũng về đền Củi vãn cảnh, hành lễ cầu bình an, công danh, tài lộc… Nhất là trong những ngày lễ hội đền Củi thì người dân càng đổ về đây nhiều hơn. Hằng năm, đền Củi có 3 ngày đại lễ, bao gồm ngày 3/3 âm lịch giỗ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh, ngày 20/8 âm lịch giỗ Hưng Đạo Đại Vương và ngày 10/10 âm lịch giỗ Đức Quan Hoàng Mười.
Mọi người tìm về đây với niềm tin sẽ được Thánh Mẫu, các quan lớn, các Chầu, quan Hoàng Mười và Đức Thánh Trần phù hộ. Không những thế nơi đây còn có canh quan đẹp hiếm có, sông núi đan xen nhau tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, kỳ bí nên thơ. Các sinh hoạt văn hóa dân gian như hát chầu văn, lễ hầu đồng diễn ra thường xuyên tại đền, những lời ca, tiếng nhạc rộn ràng say đắm tạo nên một không khí lễ hội rất sống động như mời gọi, lưu giữ bước chân du khách muôn phương.