Ngôi đình cổ duy nhất thờ 3 chữ 'Hòa Vi Quý', mái lợp ngói vảy hến độc đáo, có kiến trúc được đánh giá đẹp nhất Việt Nam
Với lối kiến trúc thời Hậu Lê, ngôi đình giờ đây vẫn giữ nguyên vẹn hàng chục bức phù điêu vô giá.
Đình Thổ Tang được xây dựng từ thế kỷ XVII, là nơi thờ cúng Lân Hổ Hầu Đô Thống Đại Vương, một vị tướng có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh tan giặc Nguyên Mông xâm lược.
Ngôi đình được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, đại đình là toà nhà lớn chia làm 5 gian, 2 dĩ. Phần nhô ra phía sau là hậu cung. Mái đình lợp ngói vảy hến, bốn góc mái có đao cong hình rồng. Đình có tới 56 cột gỗ, được phân bố 8 hàng chạy ngang, 6 hàng dọc. Phần cột của hậu cung gồm 4 hàng chạy ngang, 2 hàng dọc.
Kết cấu bộ vì chính của đình theo kiểu thức “chồng rường-giá chiêng”, liên kết phía dưới theo lối “thượng chồng cốn, hạ kè bẩy”. Kiểu kiến trúc  khá đặc trưng cho các ngôi đình có niên đại sớm (thế kỷ XVII-XVIII) đã tạo ra nhiều hơn các mảng cấu kiện kiến trúc để người thợ dân gian thoải mái phô diễn các mảng chạm trổ tinh xảo.
Đình còn nhiều bức phù điêu chạm nổi trên gỗ rất độc đáo. Trong đó, nổi bật nhất là bức “Sơn lâm tụ sinh” đặt trên cao chính diện gian giữa của đại đình. Đây là bức chạm khắc công phu, dày đặc hình tượng. Bức phù điêu lớn này ca ngợi vùng đất có sơn lâm hội tụ sinh sống, âm vang mạnh mẽ đã sinh ra người anh hùng Lân Hổ Đô Thống Đại Vương - khi mẹ ngài vào rừng đi vào dấu chân hổ, vầng mây đỏ chùm lên cùng với tiếng hổ gầm vang kết thành Lân Hổ.
Theo các cao niên, ngoài những bức phù điêu vô giá đó. Đình còn giữ được nguyên vẹn bộ trang phục của tướng Lân Hổ ở trong hậu cung. Cùng với đó là 7 sắc phong của các triều đại ban cho Lân Hổ Đô Thống Đại Vương.
Theo tiết lộ của người địa phương, đình Thổ Tang từng được tôn tạo lại. Trong khi tháo các khớp gỗ ra, người dân phát hiện ở trong các kèo cột có một số lỗ nhỏ bằng chiếc chén kèm theo những di vật lạ. Đem chuyện hỏi các nhà sử học cũng như các nhà phong thủy, người dân đều nhận được câu trả lời đó là thuật yểm bùa của người xưa.
Cũng chính vì sự linh thiêng của đình Thổ Tang từ xưa nên không ai dám mạo phạm hoặc lấy đi một vật quý nào trong đình. Đó cũng là câu trả lời vì sao 400 năm trải qua mọi biến cố thăng trầm mà ngôi đình vẫn nguyên vẹn từ cột lim đến viên ngói vảy hến.
Đình cổ Thổ Tang là một trong những ngôi đình  đẹp nhất cả nước. Các cổ vật  và sắc phong cũng còn khá nguyên vẹn, tuy nhiên, đáng chú ý nhất vẫn là bức đại tự chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc của tiền nhân. Bức hoành phi với 3 chữ đại tự “Hòa Vi Quý” tức “Hòa là quý”. Bức hoành phi này cũng trở thành biểu tượng linh thiêng và được thờ ở đình cổ như một sự tri ân.
Bức hoành phi này có nguồn gốc bắt đầu từ việc chọn thế đất để xây dựng đình làng. Được biết, đình Thổ Tang xây trên thế đất lạ, đất khuyết bốn góc. Tương truyền đây là nơi mà tướng Phùng Lân Hổ thời nhà Trần chiến đấu rất dũng mãnh và trọng thương trước khi phi ngựa lên vùng Cao Xá (Lâm Thao, Phú Thọ) và qua đời tại đó.
Theo những vị cao niên trong làng, tướng Phùng Lân Hổ bị giặc Nguyên Mông bắn trúng tên vào vai khi đang chiến đấu ở vùng Bạch Hạc - ngã ba sông Việt Trì đã phi ngựa chạy qua Thổ Tang và rơi một giọt máu tươi xuống đó. Nhân dân liền lấy cây trúc cắm vào đánh dấu. Sau này, khi vua nhà Trần tuyên dương tướng Lân Hổ và ban tặng 8 chữ "Nam thiên tráng khí Bắc khấu hàn tâm" thì nhân dân tâu với triều đình cho xây đình để tưởng nhớ.
Theo lịch sử thì Thổ Tang chỉ là một cái tên mới thời Pháp thuộc. Tên gốc nghìn đời của làng là Địa Tang. Khi người Pháp lập ra khu buôn bán mới nghĩ Địa Tang giống với "địa táng", tức vùng chôn cất người chết. Sau nhiều cuộc họp bàn, quan Pháp đã đổi tên địa danh vùng đất này thành Thổ Tang thương trấn. Cái gốc buôn bán kinh doanh của vùng Thổ Tang từ đấy mà ra.
Đình Thổ Tang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia  năm 1964 và cũng là ngôi đình có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, điêu khắc. Hàng năm, làng Thổ Tang tổ chức hội trong 2 ngày, ngày thứ nhất vào mùng 3 tháng Giêng là ngày giỗ mẫu - thân mẫu của danh tướng Phùng Lân Hổ. Ngày thứ hai là mùng 10 tháng Giêng - ngày mất của người anh hùng. Đông đảo người dân có mặt tại đình làm lễ, cầu lộc cầu tài, cầu an bình hòa thuận.