Công trình kiến trúc này được xem là viên ngọc quý bên bờ sông Hương, có ý nghĩa lớn đối với người dân Huế.
Nghênh Lương Đình hay Nghênh Lương Tạ là công trình nằm trên trục dọc từ Kỳ đài ra đến Phu Văn Lâu, được xây dựng dưới thời Nguyễn dùng làm nơi nghỉ chân của nhà vua bởi cảnh quan hữu tình, thoáng đãng. Nghênh Lương Đình là ngôi đình  duy nhất được chọn in trên tiền (mệnh giá 50.000 đồng).
Nghênh Lương Đình được xâu dựng năm Tự Đức thứ 5 (tức năm 1852) ở bờ Bắc sông Hương, đối diện với Phu Văn Lâu. Năm Thành Thái thứ 15 (tức năm 1903) Nghinh Lương Đình được trùng tu. Đến năm Khải Định thứ 3 (năm 1918) tiếp tục được tôn tạo để phục vụ vua thường xuyên đến nghỉ mát.
Nghênh Lương Đình có kiến trúc kiểu phương đình 1 gian 4 chái, phía trước và phía sau đều có nhà vỏ cua nối dài. Các vì vỏ cua, hệ thống liên ba được chạm trổ công phu. Mái nhà chính lợp ngói hoàng lưu ly, hai nhà vỏ qua lợp ngói liệt men vàng. Nền cao 90cm, bó vỉa bằng gạch vồ, đá thanh, có 13 bậc tam cấp dẫn xuống hành lang xây sát mặt nước.
Sau nhiều năm, chiến tranh, lũ lụt khiến Nghênh Lương Đình xuống cấp. Vào năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt dự án tu bổ, phục hồi di tích  Nghênh Lương Đình với tổng kinh phí 12 tỷ đồng. Sau thời gian tu bổ, đến nay công trình cơ bản đã hoàn thành, là di tích lịch sử, văn hóa có ý nghĩa của đất nước, là điểm đến du lịch nổi tiếng của Huế.
Công trình kiến trúc này được xem là viên ngọc quý bên bờ sông Hương và vinh dự là ngôi đình duy nhất trong số hàng nghìn đền, chùa, miếu, mạo ở nước ta được chọn in trên tiền Việt Nam.
Là một địa danh du lịch nổi tiếng với nhiều công trình lịch sử, đến nay, đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế tự hào đã có 5 di sản được UNESCO công nhận là Di sản  văn hóa thế giới gồm Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).