Ngôi làng cổ nghìn năm tuổi mang đậm dấu ấn Bắc Bộ, lưu giữ ‘báu vật’ hơn 800 năm tuổi, là nơi ‘chữa lành’ lý tưởng cách Hà Nội chỉ hơn 100km
Trước những biến chuyển của thời đại, làng cổ này vẫn từng bước đổi thay và phát triển nhưng nét đẹp cổ kính, thơ mộng vẫn được gìn giữ đến ngày nay.
Vẹn nguyên không gian làng cổ Bắc Bộ
Cách Hà Nội khoảng 110km và cách trung tâm thành phố Nam Định hơn 20km, làng Dịch Diệp thuộc xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định . Đây là một ngôi làng cổ có lịch sử hình thành từ đầu thế kỷ 11, dưới thời Vua Lý Thái Tổ, với tên gọi ban đầu là Dịch Diệp Trang. Ngôi làng nằm ở hạ lưu sông Hồng, thuộc huyện Tây Chân của Trấn Sơn Nam, sau này là Phủ Thiên Trường. Trải qua hàng thế kỷ, mảnh đất này vẫn giữ nguyên tên gọi và hiện là một phần của xã Trực Chính.
Ngày nay, khi đặt chân đến Dịch Diệp, du khách dễ dàng cảm nhận được không gian đặc trưng của làng quê Bắc Bộ truyền thống. Từ con đường trục chính dẫn vào làng, những hình ảnh quen thuộc như đền, chùa, cây đa, cây đề và giếng nước hiện ra, tạo nên một bức tranh làng quê yên bình. Đi sâu vào các con đường nhỏ, khách sẽ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp thuần Việt, với những ngôi nhà cổ thấp thoáng dưới bóng cây cổ thụ xum xuê.
Thời gian đã để lại dấu ấn trên từng mái ngói, bức tường và nét kiến trúc độc đáo của các ngôi nhà cổ. Nổi bật nhất ở Dịch Diệp là những chiếc cổng nhà cổ mang đậm dấu ấn thời gian. Các cổng thường được xây cuốn theo mái vòm parabol, sâu từ 1-2 m, thậm chí có cổng sâu vài ba mét. Mái cổng mềm mại, uốn lượn tinh tế, tùy thuộc vào địa thế và điều kiện của từng gia đình. Dù khác nhau về quy mô và bề thế, tất cả các cổng đều hài hòa, thuận tiện, tạo nên nét đặc trưng khó quên cho ngôi làng cổ kính này.
Làng Dịch Diệp mang hình dáng độc đáo như một con tàu, với mũi tàu là cổng Nam và đuôi tàu là cổng Tây. Điểm nhấn đặc biệt của làng là cổng Nam, nơi nối liền với cây cầu cuốn bắc qua sông, vẫn được giữ nguyên vẹn qua thời gian. Dù cổng làng và cây cầu được xây dựng theo phong cách đơn giản, sự kết hợp giữa hai công trình này lại tạo nên vẻ đẹp hài hòa, đầy chất thơ của vùng quê Bắc Bộ .
Theo lời kể của người dân địa phương, làng Dịch Diệp hiện còn bảo tồn nhiều công trình cổ giá trị, bao gồm 6 cổng nhà cổ, 1 cổng làng cổ, 1 cây cầu cuốn bắc qua sông, 2 ngôi nhà gỗ (một ngôi hơn 100 năm tuổi, ngôi còn lại hơn 200 năm tuổi, lợp ngói mũi hài), cùng 3 giếng nước nằm ở cuối làng.
'Báu vật' bồ đề hơn 800 năm tuổi
Không chỉ nổi tiếng là một ngôi làng cổ, làng Dịch Diệp còn được biết đến với cây bồ đề cổ thụ hơn 800 năm tuổi, được người dân nơi đây tôn vinh là “Bồ Đề đại lão” – một “báu vật” sống đầy ý nghĩa.
Người dân gọi cây này là “Bồ Đề đại lão” để phân biệt với “Đại lão mộc tinh” ở làng lân cận. Cây bồ đề gây ấn tượng mạnh với những chiếc rễ lớn, khoảng 40 cm, mọc từ thân cây, trông như những chiếc xúc tu khổng lồ của bạch tuộc. Các cành nhánh của cây đan xen chặt chẽ, trong khi những chiếc rễ xoắn chặt và cắm sâu xuống đất giúp cây đứng vững trước bao phong ba bão táp.
Theo các bậc cao niên trong làng, cây bồ đề cổ thụ không chỉ là một chứng nhân lịch sử mà còn là biểu tượng cho sự trường thọ, sức mạnh và tinh thần kiên định của người dân Dịch Diệp. Đối với họ, cây bồ đề được coi như một vị “đại lão tiên nhân” – nguồn cội tinh thần của làng, được kính trọng và gìn giữ qua bao thế hệ.
Thân cây bồ đề khổng lồ, ước tính cần khoảng 5 người ôm mới xuể. Người dân kể lại rằng, trong thời kỳ chiến tranh, cây bồ đề đã trở thành nơi trú ẩn an toàn cho dân làng. Dù từng bị trúng bom nhiều lần, cây vẫn hiên ngang tồn tại và xanh tốt đến tận ngày nay.
Nhằm ghi nhận giá trị lịch sử và văn hóa của cây bồ đề vào ngày 17/4/2021, chính quyền và người dân địa phương đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận “Cây Di sản Việt Nam” dành cho “Bồ Đề đại lão”.
Trải qua thời gian và những thăng trầm lịch sử, làng Dịch Diệp hôm nay đang đổi thay và phát triển không ngừng, nhưng nét đẹp hồn cốt, cổ kính, thơ mộng vẫn được giữ vẹn nguyên. Những giá trị văn hóa truyền thống cùng các “tên đất, tên làng” đã đi vào sử sách, tiếp tục được các nghệ nhân và bậc cao niên bảo tồn, truyền lại cho thế hệ con cháu như một di sản quý báu của quê hương.