Ngôi làng có tới 23 dòng họ với những đặc trưng, phong tục khác nhau nhưng đều có điểm chung là hiếu học, đời nào cũng có người đỗ đạt cao.
Làng Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì - Hà Nội) là một trong những ngôi làng nổi tiếng của Hà Nội. Đây được ví là vùng đất địa linh nhân kiệt bởi có nhiều người đỗ đạt cao, đặc biệt một dòng họ trong cùng gia đình có đến 3 thế hệ đỗ tiến sĩ vào các năm 1472, 1493, 1505 và trở thành những vị quan được nhân dân kính nể, tôn thờ là “danh khoa thế mỹ”, sử thần Ngô Sĩ Liên còn phải khâm phục, đánh giá là “hiếm có trong lịch sử”.
Vùng đất địa linh nhân kiệt 
Theo các sử sách còn lưu giữ lại cho thấy, hơn 2.000 năm trước, Triều Khúc đã có cư dân người Việt cổ sinh sống. Sách “Hà Nội nghìn xưa” có viết, khi nghiên cứu thời đại các Vua Hùng dựng nước trên lưu vực sông Hồng, giới khảo cổ học đã khắc họa được diễn biến văn hóa và lịch sử liên tục từ khoảng cuối thời đại đồ đá mới, thời đại đồng thau đến đầu thời đồ sắt. Ở Hà Nội có đủ các di tích tiêu biểu cho dòng diễn biến này chính là các di chỉ Đồng Vông (Đông Anh), gò Cây Táo, Văn Điển (Thanh Trì).
Năm 1970, người dân phát hiện ở đồng Miễu và đồng Đỗi có dấu tích của những ngôi mộ cổ. Giới khảo cổ học đã tìm thấy 4 hiện vật bằng đá là những chiếc bôn, mảnh bôn bị gẫy.
Giữa thế kỷ thứ 8, nghĩa quân Phùng Hưng từ Đường Lâm về Triều Khúc lập doanh trại. Vị gia tướng họ Giang đã sinh sống ở đây và trở thành ông tổ họ Giang ở Triều Khúc. Ngày nay, khi đến thăm từ đường họ Giang ở Triều Khúc người ta vẫn thấy ba chữ “Dân sơ sinh”.
Người họ Giang Văn ở lại Triều Khúc sinh sống, lập nghiệp mang theo đặc trưng giọng nói đặc trưng của vùng Sơn Tây, ngày nay người ta nói rằng đó là giọng trại. Sau đó, họ Giang Văn đổi thành Giang Nguyên. Năm 1900, cụ Giang Nguyên Phi đỗ Tú tài. Với tài năng, học rộng hiểu sâu, cụ có nhiều công lao trong việc biên soạn hoành phi câu đối ở đình, chùa làng, sưu tập và chép ngọc phả, tộc phả cho các dòng họ trong làng. Năm 1926, cụ Giang Nguyên Phi được phong là Hàn lâm viện Thị hiếu.
Ba đời liên tiếp đỗ đại khoa
Ở làng Triều Khúc  có tới 23 dòng họ với những đặc trưng, phong tục khác nhau nhưng đều có điểm chung là hiếu học, đời nào cũng có người đỗ đạt cao. Trong đó, nổi bật nhất là dòng họ Nguyễn Gia. Theo sử sách, năm 1370, cụ Nguyễn Phúc Vĩnh ở làng Đồng Dương (huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng) đỗ Hoành từ rồi ra làm quan.
Hậu duệ của cụ Nguyễn Phúc Vĩnh là Nguyễn Tướng Công, từ làng Đồng Dương (Đồng Mai, Thanh Oai) ra làng Triều Khúc lập nghiệp và đỗ khoa bảng liên tiếp ba đời.
Đời thứ tư có cụ Nguyễn Trung đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), đời vua Lê Thánh Tông.
Đời thứ 5 có Nguyễn Nghiễm là con của Nguyễn Trung, 22 tuổi đã đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24, đời vua Lê Thánh Tông (1493).
Đời thứ 6 có Nguyễn Gia Du là con Nguyễn Nghiễm, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ 1 (1505) đời vua Lê Uy Mục. Ông là vị quan thanh liêm, thấy cảnh xã hội loạn lạc vô cùng buồn bã nên cáo quan rong ruổi khắp thiên hạ hành nghề dạy học và bốc thuốc cứu người. Có thể thấy, dòng họ Nguyễn Gia làng Triều Khúc với ba cha con ông cháu đỗ đạt thành danh, là tấm gương lớn về sự hiếu học.
Các đời sau vẫn tiếp nối truyền thống hiếu học  của ông cha, liên tục có những người mang đến sự tự hào, danh tiếng cho mảnh đất này. Theo "Nguyễn Gia phả ký" ghi danh 12 người nổi tiếng của dòng họ xuất thân từ Triều Khúc đỗ đạt cao là: Nguyễn Chỉ đỗ Tiến sĩ năm 1453, Nguyễn Hồ đỗ Hoành năm 1480, Nguyễn Giác đỗ Bảng nhãn năm 1484, Nguyễn Tông Trình đỗ Tiến sĩ năm 1754...
Từ đường dòng họ Nguyễn Gia nằm ở xóm Lẻ, làng Triều Khúc có câu đối ấn tượng: “Báo quốc kiên trung hiển thanh danh/ Tề gia nhân đức lưu sự nghiệp”. Từ năm 2005, dòng họ Nguyễn Gia còn xây dựng quỹ khuyến học để động viên những người có thành tích học tập tốt, vượt nghèo học giỏi.