Ngủ gật 1 tiếng trong giờ làm việc, nhân viên bị sếp đuổi việc không thương tiếc, quyết định kiện ra tòa và cái kết không ai ngờ
Phán quyết của tòa về trường hợp của nhân viên này khiến không ít người bất ngờ.
Vào tháng 11/2024, dư luận Trung Quốc xôn xao trước câu chuyện một nhân viên bị sa thải vì ngủ gật tại bàn làm việc. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở đó khi tòa án  phán quyết công ty phải bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng cho nhân viên này.
Theo trang 163, câu chuyện xoay quanh anh Trương, một nhân viên có thâm niên hơn 20 năm làm việc tại một công ty hóa chất ở thành phố Thái Hưng, tỉnh Giang Tô. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc anh Trương ngủ quên khoảng một giờ tại bàn làm việc sau khi phải tăng ca đến nửa đêm hôm trước. Camera giám sát đã ghi lại sự việc, dẫn đến việc công ty quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với anh với lý do vi phạm nghiêm trọng nội quy.
Sau khi sự việc xảy ra, công ty đã chính thức ban hành một báo cáo chi tiết, trong đó có đầy đủ thông tin về vụ việc và kèm theo chữ ký xác nhận của anh Trương. Căn cứ vào báo cáo này, công ty đã đưa ra quyết định sa thải nhân viên này. Theo quy định tại Sổ tay nhân viên, hành vi ngủ gật trong giờ làm việc được xem là một vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh và uy tín của công ty. Tuy nhiên, anh Trương cảm thấy vô cùng bất bình và không đồng tình với quyết định trên, vậy nên anh quyết định khởi kiện công ty ra tòa.
Sau một thời gian xử lý kỹ lưỡng, Tòa án nhân dân thành phố Thái Hưng đã có quyết định cuối cùng về vụ việc của anh Trương. Mặc dù thừa nhận hành vi ngủ gật của anh là vi phạm quy định của công ty nhưng tòa án cũng cân nhắc nhiều yếu tố khác. Theo đó, mức độ vi phạm của nhân viên này không quá nghiêm trọng, không gây thiệt hại cho công ty. Quan trọng hơn, anh Trương đã có 20 năm gắn bó và đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công việc.
Thậm chí, tòa án còn chỉ ra một điểm quan trọng khác: Công ty không đưa ra được bằng chứng chứng minh rằng các quy định nội bộ trong Sổ tay nhân viên được xây dựng dân chủ và hợp pháp. Chính vì vậy, quyết định sa thải  anh Trương của công ty là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Do đó, tòa án đã buộc công ty phải bồi thường cho anh Trương 350.000 NDT (tương đương 1,2 tỷ đồng).
Phán quyết của tòa không chỉ khẳng định quyền lợi chính đáng của người lao động mà còn là một lời cảnh tỉnh đối với các doanh nghiệp. Vụ việc này cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện các quy định nội bộ một cách minh bạch, công bằng, đồng thời xử lý kỷ luật nhân viên một cách hợp lý, tuân thủ pháp luật.
>> Bất ngờ sa thải 90% nhân viên chỉ vì một cuộc họp, CEO nhận bão chỉ trích vì phát ngôn gây sốc