Xã hội

Người bén duyên, nặng nghiệp với thú rừng

Thái lâm 03/10/2024 11:40

TP - 13 năm nay, bác sĩ thú y Phan Đắc Mậu Đại rong ruổi khắp các buôn làng, đoàn xiếc, cơ sở nuôi nhốt thú để thuyết phục các tổ chức, cá nhân chuyển giao, bán lại các cá thể thú về chăm sóc, bảo tồn.

Bước ngoặt từ cuộc gọi cứu voi

Ông Phan Đắc Mậu Đại (46 tuổi, trú xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), được biết đến như người tái sinh động vật hoang dã quý hiếm. Công việc đặc biệt này bắt đầu từ năm 1997, khi ông tốt nghiệp hệ trung cấp chuyên ngành thú y và được nhận vào làm việc tại một cơ sở du lịch ở Lâm Đồng.

Tại đây, ông Đại được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đàn động vật, đặc biệt là những chú voi đang được nuôi nhốt. Đây cũng là nơi ông bắt đầu hiểu sâu hơn về tình trạng sức khỏe của voi và những khó khăn mà loài vật này gặp phải.

Người bén duyên, nặng nghiệp với thú rừng ảnh 1
Ông Đại cùng đàn voi được ông giải cứu

Được một thời gian, ông Đại tiếp tục học chuyên ngành Thú y tại Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Dần dần, ông nhận ra rằng nhiệm vụ của mình không chỉ dừng lại ở việc chữa bệnh mà còn bảo tồn và phục hồi sức khỏe cho những loài vật quý hiếm.

Năm 2002, khi ông Đại đang thăm khám cho một đàn thú tại công ty, một người lạ từ khu du lịch ở Đà Lạt tìm đến, nhờ ông giúp chữa trị cho một con voi già bị bệnh đường ruột. “Suốt nhiều tuần trước đó, chú voi này rơi vào tình trạng nguy cấp nhưng không ai có thể đưa ra được phương pháp điều trị hiệu quả. Khi chủ voi tìm đến ông, tiền bạc không còn quan trọng mà chỉ mong sao chú voi được cứu sống”, ông Đại kể.

Người bén duyên, nặng nghiệp với thú rừng ảnh 2
Hiện vườn thú của ông Đại không thu phí vé tham quan

Ông Đại chỉ mất 3 ngày để giúp chú voi hồi phục hoàn toàn, ăn uống trở lại bình thường. Kết quả, ông nhận được phần thưởng 50 triệu đồng từ vị chủ voi, số tiền tương đương với khoảng 7 lượng vàng vào thời điểm đó. Khoản tiền này không chỉ là phần thưởng cho công lao, mà còn là cơ hội để ông bắt đầu một chặng đường dài hơn với công việc bảo tồn động vật hoang dã.

Một lãnh đạo xã Hiệp An xác nhận, các hoạt động nuôi dưỡng và bảo tồn của gia đình ông Đại đều được cơ quan chức năng cấp phép và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật. Cơ sở này cũng đã tạo công ăn việc làm cho hơn 40 lao động địa phương với mức lương ổn định.

“Lúc tôi đến khám bệnh, chủ voi chỉ hỏi có cứu được không, tiền không quan trọng. Lúc đó, tôi chẩn đoán ra bệnh và hứa với chủ voi sẽ cứu trong vòng 5 ngày. Vậy nhưng, chỉ sau 3 ngày điều trị, chú voi đã khỏe lại, ăn uống bình thường”, ông Đại nhớ lại.

Người bén duyên, nặng nghiệp với thú rừng ảnh 3
Ông Đại đã mạnh dạn mua 2 cá thể hổ về bảo tồn

Đến năm 2005, ông Đại nghe tin một cá thể voi khác ở Đắk Lắk đang ốm nặng và được rao bán. Dù biết rằng việc mua voi là một quyết định đầy rủi ro, song ông không ngần ngại thế chấp nhà, đất của mình để vay mượn số tiền lên tới 100 triệu đồng. Sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý, ông đưa voi về nuôi dưỡng và chăm sóc tại trang trại của mình ở Lâm Đồng.

Việc nuôi dưỡng chú voi mới không hề dễ dàng bởi nó đã bị mù hai mắt, thế nhưng chủ cũ không hề tiết lộ khi giao dịch. Điều này làm ông Đại bị sốc, song ông không nản lòng. Ông quyết định thuê nhân viên cũ của chủ voi về làm việc cùng mình để đảm bảo chú voi được chăm sóc đúng cách. Sau vài năm, chú voi ngày càng khoẻ mạnh, quen với chủ mới, môi trường mới.

Nơi cư trú của các động vật quý hiếm

Năm 2005, ông Đại quyết định nghỉ việc tại công ty du lịch rồi chuyển sang trồng cà phê, kinh doanh bất động sản. Đây cũng là thời gian ông bắt tay vào thực hiện ý tưởng xây dựng vườn thú gia đình. Năm 2007, ông Đại nghe tin một chú voi khác ở Gia Lai bị kiệt sức ở rừng sâu nên đã đi cứu. Khi đến nơi, hình ảnh chú voi không còn sức đứng dậy khiến ông xúc động mạnh. Ông lập tức làm thủ tục đưa chú voi này về trang trại và đặt tên là Bắc On.

Bắc On bị ảnh hưởng thần kinh do sử dụng các chất kích thích trong thời gian dài làm việc. Để giúp chú voi này hồi phục, ông Đại phải lên một phác đồ điều trị đặc biệt kéo dài nhiều tháng. “Cách đây khoảng 17 năm, thời điểm đó, kinh nghiệm về việc chăm sóc voi chưa có. Bởi việc cầm cột, giữ con thú lớn nó đã khác. Bản thân Bắc On là thú hoang dã nên bắt buộc phải đưa ra môi trường bán hoang dã để kích thích hệ miễn dịch”, ông Đại cho hay.

Cũng theo ông Đại, mỗi lần Bắc On bị kích động, cả trang trại phải lúng túng, vật vã mấy tiếng đồng hồ. Do kích thước to, sức mạnh lớn, Bắc On quậy phá khiến ai cũng sợ. “Lúc đó, tôi gọi gấp tất cả nhân viên để dội nước vào nó. Một lúc sau, Bắc On dần tỉnh. Hiện có một chú voi bị mù 2 mắt và Bắc On là 2 cá thể lớn tuổi nhất trong tổng số 7 voi ở trang trại. Bệnh của voi được kiểm soát, chế độ dinh dưỡng được đảm bảo nên cả 2 đều khỏe mạnh”, ông Đại phấn khởi.

Không chỉ dừng lại ở voi, ông Đại còn mở rộng công việc bảo tồn của mình. Năm 2010, ông trở thành cá nhân duy nhất ở Lâm Đồng sở hữu 2 cá thể hổ nặng hàng trăm cân. Cặp hổ này được ông mua lại từ một vườn thú ở TPHCM gặp khó khăn trong việc nuôi dưỡng, bảo tồn nên tìm đơn vị đủ điều kiện để chuyển nhượng. Một lần nữa, ông lại phải thế chấp sổ đỏ của gia đình để vay mượn số tiền lớn. Với niềm đam mê bảo tồn động vật, ông sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro để cặp chúa sơn lâm này có thể về an toàn và được nuôi dưỡng tại vườn thú của mình.

Hiện vườn thú của ông là nơi cư trú của gần 1.000 cá thể động vật quý hiếm. Ngoài 7 con voi và 2 cá thể hổ, ông còn nuôi dưỡng nhiều loài khác như cá sấu, vượn, chồn. Đàn chồn ban đầu chỉ có 2 con, nhưng nhờ sự chăm sóc và nhân giống thành công, đến nay đã phát triển lên 40 cá thể. “Các cá thể thú ở vườn đều có nguồn gốc rõ ràng, đủ điều kiện nuôi. Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cũng tạo điều kiện để tôi thử nghiệm nuôi, bảo tồn nguồn gen quý và phát triển các cá thể này​​​​​​“, ông Đại cho hay.

Đối với danh mục động vật rừng thông thường hay đối với động vật rừng hoang dã thì đều có điều kiện nuôi. Điều kiện nuôi động vật hoang dã được quy định tại Điều 11 Nghị định 06/2019/NĐ-CP như sau:

“Điều 11. Nuôi động vật rừng thông thường

Tổ chức, cá nhân nuôi động vật rừng thông thường phải đảm bảo các điều kiện sau:

1. Đảm bảo nguồn gốc động vật rừng nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật;

2. Đảm bảo an toàn cho con người; thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường, thú y;

3. Thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi vật nuôi quy định theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc, kể từ ngày đưa động vật rừng thông thường về cơ sở nuôi, tổ chức, cá nhân phải gửi thông báo cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, quản lý theo quy định của pháp luật”.

Rùng mình loại thực phẩm chứa chất này: Tăng hơn 75% khả năng phát triển của các khối u ung thư

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/nguoi-ben-duyen-nang-nghiep-voi-thu-rung-post1678695.tpo
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Người bén duyên, nặng nghiệp với thú rừng
    POWERED BY ONECMS & INTECH