Người đàn ông mất trắng 300 triệu vì chiêu 'fake hóa đơn chuyển khoản', hình thức lừa đảo mới mà ai cũng có thể sập bẫy
Đây là bài học cảnh giác cho người dân về chiêu lừa đảo "hóa đơn chuyển khoản giả".
Gần đây, tình trạng lừa đảo qua mạng đang trở nên phổ biến với nhiều chiêu trò tinh vi, gây hoang mang và thiệt hại lớn cho người dân. Các cơ quan chức năng nhận định rằng loại tội phạm này đang áp dụng nhiều thủ đoạn đan xen, thường xuyên thay đổi phương thức để chiếm đoạt tài sản. Nhiều hình thức lừa đảo còn mang tính chất xuyên quốc gia, gây khó khăn cho công tác điều tra và ngăn chặn.
Dù lực lượng công an đã tăng cường tuyên truyền về các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nhưng vẫn có nhiều người dân nhẹ dạ cả tin và trở thành nạn nhân. Mới đây, tại Bình Định, một vụ lừa đảo đã khiến ông P.N.T. (sinh năm 1973) trú tại phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, mất trắng hơn 300 triệu đồng.
Người đàn ông mất trắng 300 triệu vì chiêu 'fake hóa đơn chuyển khoản', hình thức lừa đảo mới mà ai cũng có thể sập bẫy |
Công an tỉnh Bình Định cho biết, vào khoảng 15h ngày 19/10/2024, ông T. nhận cuộc gọi từ một người tự xưng là "Tú," cho biết mình làm việc tại Ban Chỉ huy Quân sự thị xã An Nhơn và đang có nhu cầu thuê công ty ông T. thi công công trình. Sau đó, cả hai kết bạn qua zalo để trao đổi công việc.
Ngày 22/10/2024, Tú nhờ ông T. liên hệ với một tài khoản Zalo tên "Thành Nam" để đặt mua 100 giường tầng và 200 nệm cao su non với tổng giá trị 680 triệu đồng. Để tạo lòng tin, Tú đã gửi cho ông T. ba ảnh chụp hóa đơn chuyển khoản từ ngân hàng, với tổng số tiền là 680 triệu đồng. Tú giải thích rằng ngân hàng A thường xuyên bị nghẽn mạng, dẫn đến chậm thông báo kết quả giao dịch.
Tin tưởng vào thông tin này, ông T. đã chuyển 333,6 triệu đồng cho đối tượng. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại tài khoản, ông T. phát hiện mình chưa nhận được số tiền nào từ các đối tượng. Cả "Tú" và "Thành Nam" đều không thể liên lạc được.
Đây là bài học cảnh giác cho người dân về chiêu lừa đảo "hóa đơn chuyển khoản giả". Các chuyên gia khuyến cáo rằng, khi nhận thông báo chuyển tiền, người dân nên kiểm tra lại trực tiếp qua hệ thống ngân hàng để tránh rủi ro mất mát tài sản.
Gian lận, lừa đảo 'chào thua' với sinh trắc học chuyển khoản? 
Ngân hàng cảnh báo rủi ro gì về nội dung chuyển khoản?