Gian lận, lừa đảo 'chào thua' với sinh trắc học chuyển khoản?
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sau 3 tháng triển khai sinh trắc học khi chuyển khoản, số vụ việc gian lận giảm 50%, số tài khoản liên quan đến lừa đảo giảm trên 70%.
Giảm 50% vụ việc gian lận
Theo Ngân hàng Nhà nước, chỉ sau 1 tháng triển khai, Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước về triển khai bảo mật trong thanh toán trực tuyến có những kết quả bất ngờ.
Chỉ trong tháng 8, số vụ việc gian lận trên toàn ngành ngân hàng được ghi nhận chỉ còn 700 vụ việc, giảm 50% so với trung bình của 7 tháng đầu năm; số lượng tài khoản liên quan đến lừa đảo, gian lận được sử dụng trong tháng 8 chỉ còn khoảng 682 tài khoản, giảm khoảng 72% so với số lượng trung bình 7 tháng đầu năm nay.
Còn sau hơn 3 tháng triển khai, số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo  cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm. Một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo, gian lận trong tháng 8 và tháng 9.
Chuyển tiền xác thực sinh trắc học thêm bước bảo vệ tài khoản của khách hàng. |
"Việc áp dụng quy định này đã có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đảm bảo chính chủ khi sử dụng các dịch vụ liên quan đến tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử. Nhờ đó, góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo, gian lận chuyển tiền vào các tài khoản, thẻ, ví mua, bán, thuê, mượn của các đối tượng lừa đảo", Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm ngày 1/7 khi chính sách mới tại Quyết định 2345 có hiệu lực, đã xuất hiện tình trạng dịch vụ đối chiếu thông tin sinh trắc học tại một số ngân hàng bị gián đoạn do số lượng truy cập lớn.
Do đó, khách hàng nên ý thức việc bảo vệ mình bằng cách chuẩn bị sớm, thực hiện đối chiếu thông tin sinh trắc học và cập nhật căn cước công dân gắn chíp trước thời điểm 1/1/2025 để tuân thủ quy định tại Thông tư 17, 18 và 40 và tránh phải chờ đợi do dịch vụ online có thể bị gián đoạn.
Khách hàng có thể cập nhật tự động bằng phần mềm của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc liên hệ với nhân viên của tổ chức cung ứng dịch vụ hoặc ra quầy để được hỗ trợ trực tiếp, đảm bảo giao dịch trực tuyến của tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử của mình không bị gián đoạn.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc đối chiếu thông tin sinh trắc học là một giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo tính chính xác và bảo mật trong ngành ngân hàng. Khách hàng cần nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi tài sản của mình, đơn giản chỉ là cập nhật căn cước công dân gắn chíp và đối chiếu thông tin sinh trắc học sớm trước thời điểm 1/1/2025, giúp bảo vệ tài sản của mình an toàn hơn.
Quy định chuyển tiền từ 1/1/2025
Theo quy định, từ 1/1/2025, khách hàng có giấy tờ tuỳ thân hết hiệu lực sẽ bị dừng giao dịch chuyển tiền, rút tiền tại tất cả các kênh.
Khách hàng cá nhân và chủ thẻ doanh nghiệp chưa đăng ký sinh trắc học cũng sẽ bị dừng tất cả giao dịch trực tuyến, rút tiền tại ATM/CDM.
Để việc giao dịch ngân hàng của khách hàng được liền mạch, các ngân hàng đồng loạt khuyến nghị khách hàng chủ động cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam còn hiệu lực và thông tin sinh trắc học.
Sacombank cho biết, từ ngày 1/1/2025, ngân hàng sẽ tạm ngưng giao dịch tại quầy, cũng như các kênh trực tuyến đối với các khách hàng có giấy tờ tùy thân hết hạn hoặc không còn hiệu lực. Đồng thời, cũng từ ngày này, mọi giao dịch trực tuyến, rút tiền tại các cây ATM/CDM... hoặc kích hoạt hay gia hạn thẻ của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sẽ tạm dừng nếu chưa hoàn thành việc đăng ký xác thực sinh trắc học.
VPBank cũng khuyến cáo từ 1/1/2025, với những khách hàng chưa có dữ liệu sinh trắc học hoặc giấy tờ tùy thân hết hạn, hay thông tin dữ liệu tại ngân hàng không khớp đúng với dữ liệu của Bộ Công an… sẽ bị dừng toàn bộ các giao dịch thanh toán ngân hàng.
Công an tìm bị hại chuyển tiền vào số tài khoản 3929683 tại ACB 
Công an vạch trần kịch bản chuyển tiền mới của đối tượng lừa đảo