Người đàn ông nhận 'kho báu' dưới đầm hoang nhờ quyết định năm 30 tuổi
Khai phá khu đầm hoang đầy cỏ dại từ hơn 30 năm trước, sau những nỗ lực bền bỉ, đến nay ông Kim Đình Úp (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) ung dung cất những "mẻ lưới" hàng trăm triệu đồng.
30 năm bền bỉ với đồng quê
Ông Kim Đình Úp (60 tuổi, trú xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) được nhiều người hóm hỉnh gọi bằng cái tên "lão nông có bàn tay cất được những mẻ lưới hàng trăm triệu" từ việc nuôi cá lồng.
Nhiều năm nay, đều đặn hàng năm, gia đình ông Úp thu về từ 300-400 triệu đồng từ những lồng cá mà ông dày công gây dựng, chăm sóc. Mô hình nuôi cá kết hợp trồng cây ăn quả của ông Kim Đình Úp được nhiều bà con trong vùng đến học tập và áp dụng, tạo diện mạo làm ăn kinh tế sôi động ở vùng quê Bắc bộ.
Với gương mặt hồn hậu, chất phác, ông Kim Đình Úp kể lại những năm tháng cơ hàn khi một tay gây dựng cơ ngơi bạc tỷ như hiện tại. Khi ấy, vào năm 1993, khu vực nuôi cá lồng rất hoang sơ, cây cối rậm rạp, ao hồ nước ngập lênh láng. Nhìn khung cảnh này, ai nấy đều chùn bước vì không biết làm gì để tạo sinh kế.
"Hồi đó, vùng đất này rất khó để nuôi trồng, chăn nuôi vì nước ngập khiến lợn gà chết, nuôi cá thì cá đi mất, trồng cây lấy quả thì không được... ", ông Úp nhớ lại.
Trong bối cảnh đó, ông Úp có một quyết định táo bạo và cũng là bước ngoặt đối với cuộc đời mình: nhận thầu hơn 20 mẫu đầm để làm thủy sản. Với ông Úp, quyết định trên như một canh bạc, nếu thành công sẽ giúp ông cải thiện cuộc sống, còn thất bại thì rất khó để vực lại.
Trải qua những tháng ngày nghèo khó, quyết chí vươn lên ngay chính mảnh đất nơi mình sinh ra, vợ chồng ông Kim Đình Úp xác định "đâm lao phải theo lao" và hiện thực hóa ước mơ thoát nghèo.
Bắt tay thực hiện, vợ chồng ông Úp vay tiền từ ngân hàng để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, thuê máy múc cỡ lớn đào lại ao, đắp lại bờ, tạo thành bức tường kiên cố cùng hệ thống giữ nước, thoát nước để điều hòa mực nước trong ao cho phù hợp với thời tiết.
Khi có ao hồ kiên cố, ông nghiên cứu chọn các giống cá phù hợp với điều kiện khí hậu như cá trắm đen, cá chép, cá nheo,... vừa cho hiệu quả kinh tế cao, lại dễ nuôi, ít bệnh.
Thế nhưng, công việc không mấy suôn sẻ. Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm nên cá mắc các bệnh lạ chết hàng loạt khiến vợ chồng ông chao đảo.
Có giai đoạn khủng hoảng, vợ chồng ông Úp như ngồi trên lửa khi gánh đống nợ hàng trăm triệu đồng. Do đó, ông "cắp sách" đi học hỏi kinh nghiệm, kiến thức khắp nơi và vỡ ra nhiều bài học.
"Sau 4-5 năm, việc làm ăn của gia đình tôi bắt đầu xuôi chèo mát mái. Đến năm 2019, việc nuôi cá thật sự mang đến giá trị kinh tế vượt trội, cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống gia đình", ông Úp kể.
Sở dĩ ông Kim Đình Úp nói đến cột mốc năm 2019 là bởi, đây là thời điểm ông biết đến kỹ thuật nuôi cá trong lồng. Ứng dụng cách làm này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao mà không quá vất vả trong chăm sóc, cho cá ăn, điều trị bệnh và hạn chế tối đa cá chết đồng loạt. Hơn nữa, quá trình thu hoạch diễn ra thuận lợi, không thất thoát.
Đưa công nghệ vào nuôi cá
Nhận thấy ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại mang lại giá trị kinh tế cao, ông Úp mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để làm lồng cá hoàn toàn bằng inox, diện tích hơn 300m2 theo công nghệ hiện đại chống ăn mòn. Chi phí đầu tư cao nhưng thời hạn sử dụng kéo dài hàng chục năm.
"Hệ thống nuôi cá bè mới vận hành thông minh, mực nước trong hồ so với trong lồng cá luôn ổn định, có thể thay nước ngay khi phát hiện nước trong lồng bị ô nhiễm. Đồng thời, các lồng cá được thiết kế ngăn cách nhau, dễ xử lý sự cố nếu xảy ra" - ông Úp chia sẻ.
Ứng dụng lồng nuôi hiện đại đã tạo ra nguồn thu nhập cao, lên tới vài trăm triệu đồng cho gia đình ông Úp nhờ chất lượng cá đồng đều. Người dân trong vùng thường nói vui, nhà nào có nhu cầu ăn cá tươi ngon thì chỉ cần "ra nhà ông Úp là có ngay".
Mỗi tháng, ông Úp cung cấp ra thị trường hàng tấn cá thương phẩm, chủ yếu là cho các nhà hàng, quán ăn, người dân trên địa bàn huyện Yên Lạc và vùng lân cận.
Ông Úp nói thêm, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn vất vả, bởi làm nông nghiệp thì khó tránh ảnh hưởng của thời tiết. Đặc biệt, vào tháng 5, tháng 6, nắng nóng rất khắc nghiệt, nếu lơ là thì cả vụ dễ trắng tay.
Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ, giờ ông tự tin hơn. Lồng cá bè của ông có thể mở rộng diện tích để nuôi những loại cá mang lại kinh tế cao.
"Nếu trước kia, trời mưa lớn kéo dài, vợ chồng tôi phải vật lộn đắp bờ, căng lưới để cá không thoát ra ngoài thì nay bờ cao, hồ sâu, lại thêm hàng trăm mét lồng bè inox kiên cố giúp tôi ngủ ngon hơn", ông nói.
Vườn mận hiếm ở Vĩnh Long có trái siêu to, ăn ngọt thanh 
Tỷ phú nông dân mới học hết lớp 2 bắt bãi đất hoang 'đẻ' tiền tỷ 
Tỉnh miền núi nghèo thành 'hiện tượng', loạt nông dân thành tỷ phú, triệu phú