Xã hội

Người đàn ông nhận lương hưu cao nhất Việt Nam chỉ ‘thẳng mặt’ 3 điểm hạn chế của sinh viên Việt Nam

Minh Phát 25/02/2025 - 08:42

Thông tin được vị CEO này đưa ra trong “Ngày hội kết nối Đại học - Địa phương - Doanh nghiệp” tổ chức tại Đại học Quốc gia TP.HCM.

Chiều 22/2/2025, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức “Ngày hội kết nối Đại học - Địa phương - Doanh nghiệp” nhằm thúc đẩy sự gắn kết bền chặt giữa các cơ sở giáo dục đại học, địa phương và doanh nghiệp. Đây là một trong những sự kiện trọng điểm chào mừng kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển của nhà trường. Điểm nhấn của chương trình là tọa đàm “Liên kết Đại học - Địa phương - Doanh nghiệp” với mục tiêu “Hợp lực vì sự phát triển kinh tế và xã hội”.

Người đàn ông nhận lương hưu cao nhất Việt Nam chỉ ‘thẳng mặt’ 3 điểm hạn chế của sinh viên Việt Nam - ảnh 1
Các đại biểu trong buổi tọa đàm chiều 22/2. Ảnh: KHẮC HIẾU

Ba hạn chế của sinh viên khi gia nhập thị trường lao động

Tại tọa đàm, ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM và cũng là CEO đang hưởng mức lương hưu cao nhất cả nước nhận định: "Mỗi năm hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp gia nhập thị trường lao động, nhưng phần lớn vẫn chưa đáp ứng ngay được yêu cầu của doanh nghiệp".

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2023, ông cho biết Việt Nam có hơn 2 triệu sinh viên theo học mỗi năm, nhưng chỉ khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành. Điều này phản ánh sự chưa cân đối giữa chương trình đào tạo và nhu cầu thực tế của thị trường lao động, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số và hội nhập quốc tế phát triển mạnh mẽ.

Theo ông, sinh viên Việt Nam có chất lượng đầu vào khá tốt, nhưng đầu ra vẫn còn nhiều hạn chế, tập trung ở ba khía cạnh chính.

Thứ nhất là kỹ năng mềm. Sinh viên nắm vững lý thuyết nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế, tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc nhóm.

Thứ hai là khả năng thích nghi. Môi trường làm việc hiện đại đòi hỏi sự linh hoạt và tinh thần học hỏi nhanh, nhưng nhiều sinh viên vẫn thụ động, phụ thuộc vào lý thuyết sách vở.

Cuối cùng là năng lực ứng dụng thực tiễn. Chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, ít thực hành, khiến sinh viên không có đủ kinh nghiệm để đáp ứng ngay nhu cầu của doanh nghiệp.

"Sự chênh lệch này đẩy doanh nghiệp vào thế khó, phải dành nguồn lực đáng kể để đào tạo lại nhân sự mới, làm tăng chi phí và kéo dài thời gian hòa nhập", ông Trai nhấn mạnh.

Người đàn ông nhận lương hưu cao nhất Việt Nam chỉ ‘thẳng mặt’ 3 điểm hạn chế của sinh viên Việt Nam - ảnh 2
Ông Phạm Phú Ngọc Trai nói về quan hệ trường ĐH - doanh nghiệp hiện nay. Ảnh: KHẮC HIẾU

Cần xây dựng một hệ sinh thái hợp tác thực chất

Khoảng cách giữa đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn đang tạo ra rào cản lớn giữa trường đại học, doanh nghiệp và thị trường lao động. Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng một hệ sinh thái hợp tác thực chất, nơi doanh nghiệp, trường đại học và nhà nước phối hợp chặt chẽ nhằm đồng sáng tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Chính sách thuế và tài chính cần được cải cách theo hướng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty đầu tư vào nghiên cứu và phát triển hoặc tài trợ nghiên cứu tại các trường đại học. Đồng thời, việc thành lập quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo cần tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và sản xuất thông minh.

Việc đặt hàng nghiên cứu ứng dụng cần được triển khai, gắn chặt với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và định hướng nghiên cứu tại các trường đại học. Cùng với đó, cần hình thành các trung tâm nghiên cứu hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và trường đại học nhằm đẩy nhanh quá trình thương mại hóa công nghệ, giúp các kết quả nghiên cứu không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà có thể ứng dụng vào thực tiễn.

Các trường đại học cần được trao quyền tự chủ cao hơn để chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng thực hành, bám sát yêu cầu của doanh nghiệp. Việc gắn chương trình đào tạo với thực tiễn, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nhà trường và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sẽ giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc thực tế ngay từ khi còn trên ghế giảng đường.

Về phía doanh nghiệp, không chỉ đơn thuần là đơn vị sử dụng lao động, họ còn cần đóng vai trò như một nhà đầu tư chiến lược vào nguồn nhân lực và công nghệ. Việc hợp tác chặt chẽ với trường đại học trong đào tạo nhân lực, tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra giá trị bền vững trong nền kinh tế tri thức.

>> Phân luồng, định hướng nghề: Có nên đặt nặng tỷ lệ cho học sinh?

Hơn 31.000 sinh viên Việt Nam đang du học Mỹ

Nữ sinh đầu tiên của bộ tộc ‘bí ẩn nhất thế giới’ tại Việt Nam đỗ đại học, được bầu làm đại biểu Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/nguoi-dan-ong-nhan-luong-huu-cao-nhat-viet-nam-chi-thang-mat-3-diem-han-che-cua-sinh-vien-viet-nam-137420.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Người đàn ông nhận lương hưu cao nhất Việt Nam chỉ ‘thẳng mặt’ 3 điểm hạn chế của sinh viên Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH