Người dùng TikTok Trung Quốc phản đối nội dung trả phí
Nền tảng chia sẻ video Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok, đang vấp phải làn sóng phản đối từ phía người dùng sau khi thử nghiệm nội dung trả phí.
Sáng kiến này bắt đầu ra mắt từ ngày 9/11 nhưng đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ người dùng Trung Quốc, những người từ lâu đã quen với nội dung miễn phí.
Ví dụ, tài khoản Nutsbear, một người có ảnh hưởng được hơn 2 triệu người xem theo dõi và nổi tiếng với việc kể những câu chuyện chiến tranh, vào thứ Sáu vừa qua đã hạ giá video trả phí đầu tiên của mình: một bài đánh giá dài 21 phút về Trận chiến Biển San hô năm 1942 giữa Nhật Bản, Mỹ và Australia xuống 3 nhân dân tệ (hơn 10.000 đồng). Giá ban đầu của video được tải lên vào ngày 12/11 là 8 nhân dân tệ (hơn 27.000 đồng).
Hầu hết các nhận xét bên dưới video đều phàn nàn về giá cả thay vì nội dung. Một người dùng cho biết mức giá này rất tốt so với chất lượng của video. Nhưng người dùng khác nói rằng “việc tính phí 3 nhân dân tệ cho một video dài 20 phút vẫn còn đắt”, trong khi có người tiêu cực hơn khi cho rằng “đã đến lúc gỡ cài đặt Douyin ”.
Hiện chức năng đăng tải nội dung trả phí hiện chỉ áp dụng cho những người sáng tạo nội dung có ít nhất 100.000 người theo dõi. Họ phải xác thực danh tính của mình và không vi phạm bất kỳ quy tắc nào trong tháng qua.
Người sáng tạo có quyền quyết định xem có nên kích hoạt dịch vụ trả phí hay không và họ có quyền tự do đặt ra mức giá của mình. Nhưng nền tảng Douyin tính phí dịch vụ công nghệ 30% cho mỗi đơn hàng.
Đây không phải là lần đầu tiên Douyin yêu cầu người dùng trả tiền để xem video trên ứng dụng này. Vào năm 2021, nó cho phép thu phí một số bộ phim truyền hình ngắn với dung lượng mỗi tập chỉ kéo dài vài phút. Mặc dù các bộ phim siêu ngắn này có kinh phí thấp hơn nhiều so với phim thông thường, nhưng chúng vẫn đắt hơn nội dung do người dùng tự tạo.
Lần này, sáng kiến này đã mở rộng sang nhiều thể loại hơn, bao gồm chia sẻ kiến thức và giải trí, bởi thể loại phim truyền hình siêu ngắn sắp phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý ở Trung Quốc.
Tháng trước, Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp để “tăng cường và cải tiến việc quản lý” các bộ phim truyền hình dạng "mỳ ăn liền" này. Trung Quốc đã ghi nhận hơn 25.300 bộ phim siêu ngắn chứa nội dung bạo lực, khiêu dâm và thô tục từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 2 năm nay.
Hiện chưa rõ liệu người dùng Trung Quốc sẽ chấp nhận tiêu thụ video trả phí hay không, nhưng tình hình đã được cải thiện đối với những người tính phí nội dung.
Theo công ty tư vấn Frost & Sullivan, tỷ lệ người đăng ký trả phí trên các nền tảng video của Trung Quốc đã tăng lên 77,6% vào năm 2022 từ mức chỉ 48% vào năm 2018.
Người dùng cần làm gì để không bị khoá tài khoản Facebook hay Tiktok sắp tới? 
Bị khui kho hàng lậu hơn 20 tỷ, ‘hot girl’ livestream xin nộp phạt để không bị khởi tố