Người phụ nữ Kon Tum làm tranh không cần màu vẽ, khách xem mê mẩn
Gắn bó với nghệ thuật làm tranh xoắn giấy nhiều năm nay, Chu Thị Huệ là tác giả của nhiều bức tranh đẹp mắt, gây ấn tượng cho người xem.
Chị Huệ (33 tuổi, ở Kon Tum ) cho biết, trước khi đến với tranh xoắn giấy, chị đã có 3 năm làm thiệp xoắn giấy.
Tranh xoắn giấy được làm từ những dải giấy được cắt nhỏ, kích thước khoảng 1cm trở lên với nhiều màu sắc khác nhau. “Chỉ cần thay đổi lực của tay để vặn và điều chỉnh độ căng của lõi giấy, xoắn những hình mà chúng ta muốn, sau đó dán chúng bằng keo sữa rồi đặt chúng lên phôi vào các vị trí cần trang trí”.
Theo chị, làm tranh đòi hỏi nhiều thời gian, sự tỉ mỉ và kiên nhẫn hơn so với làm thiệp, đồng thời cũng cần nhiều sáng tạo hơn. Làm thiệp thường chỉ theo mẫu có sẵn.
“Mình là người cầu toàn trong công việc nên mỗi bức tranh đều được mình lên ý tưởng, nắn nót từng chi tiết, lau từng vệt keo, lật từng mặt phải cho có độ bóng, xoắn từng cái tâm, vuốt từng sợi dây,... Mình tự làm theo bản năng. Quá trình làm thiệp trong thời gian dài giúp mình tự học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để sau này làm tranh” – chị nói.
Không phải lúc nào bắt tay vào làm, chị Huệ cũng dào dạt ý tưởng. Có những bức, chị phải vò đầu bứt tóc mà không thể đưa ra được ý tưởng nào ưng ý.
“Khi ấy mình cũng không cố ép bản thân, vì mình hiểu đôi khi ý tưởng chỉ lóe lên trong tích tắc. Mình lại mang chúng cất đi. Rồi một thời gian sau, tự nhiên cảm xúc lại ùa về. Mình lại mang ra hoàn thiện những chi tiết còn lại. Và mình luôn hài lòng với sự cố gắng ấy”.
Ngoài thu nhập, những mối quan hệ, những cảm xúc mà chị Huệ nhận được từ phía khách hàng là điều chị trân quý nhất.
“Mình có một chị khách quen, lâu lâu chị lại mua tranh ủng hộ. Chị có một cô con gái nhỏ cực kỳ yêu tranh của mình. Lúc thì cô bé lấy tiền lì xì, lúc lấy tiền tiết kiệm để mua tranh. Mình hay gửi tặng thêm những tấm thiệp cho cô bé.
Mỗi lần gửi, mình đều nghe chị ấy nói con gái thích lắm, mang ra ngắm suốt, lại còn mang giấu dưới gối vì sợ người khác lấy mất. Mình thấy hạnh phúc vô cùng khi biết bé yêu tranh của mình đến vậy.
Chị khách ấy cũng luôn quan tâm, hỏi thăm mình, nhắc nhở mình phải chăm sóc, giữ gìn sức khỏe. Chị nói chưa gặp mình nhưng trò chuyện với mình, chị rất quý mến. Chị hay gọi mình là em gái nhỏ. Chị cũng thường xuyên giới thiệu khách mua tranh giúp mình. Chị còn nói sẽ trả thêm vài chục ngàn mỗi bức, phụ cho mình bồi bổ sức khỏe”.
Lại có một vị khách khác, khi thấy tranh của chị Huệ trên mạng xã hội đã nhắn tin muốn mua ngay. Câu chuyện giữa người làm tranh và khách hàng không chỉ là chuyện giao dịch, mà cùng nhau chia sẻ rất nhiều điều trong cuộc sống.
“Khi nhận được tranh, chị khen đẹp ngoài sự mong đợi. Chị muốn treo nó ở phòng bếp, nơi chị dành phần lớn thời gian, để có thể nhìn ngắm bức tranh đó mỗi ngày. Mình nghe mà cảm động vô cùng. Cảm động vì có một người yêu bộ môn tranh xoắn giấy, cảm động vì sản phẩm của mình được trân trọng, nâng niu và đón nhận”.
Chị Huệ nói, chị rất biết ơn vì tranh đã mang đến cho chị những mối nhân duyên tuyệt vời đến thế.
Một số bức tranh xoắn giấy do chị Huệ tạo hình:
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phong cách nghệ thuật hài hoà trong đa dạng của 5 hoạ sĩ 'Ngày rộng' 
Trưng bày 39 bức tranh của các nghệ sĩ đương đại bậc thầy về nghệ thuật thế giới